Đào tạo nhân lực để ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 00:00, 11/03/2016

(TN&MT) - Những năm gần đây, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở, triều cường…. do BĐKH gây ra.

 

(TN&MT) - Những năm gần đây, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở, triều cường…. do BĐKH gây ra. Ngoài các giải pháp tình thế, việc tìm ra các giải pháp lâu dài và bền vững để ứng phó với tình trạng BĐKH ngày càng phức tạp đang trở nên cấp bách đối với khu vực này. Theo đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về BĐKH là yêu cầu bắt buộc đối với khu vực ĐBSCL.

Nhu cầu cấp thiết

Khu  vực ĐBSCL là vùng trũng, ven biển, vùng dự trữ sinh quyển và cũng là vùng cư trú đông người nghèo nên dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Những năm gần đây, tình trạng nhiễm mặn, sạt lở trên diện rộng liên tiếp xảy ra làm ảnh hưởng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội. Nhận rõ tác hại của BĐKH đối với đời sống, sản xuất của người dân, ở ĐBSCL đến nay, hầu hết các địa phương đều đã xem xét đưa yếu tố tác động của BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực để tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hướng đến phát triển bền vững.

Tình trạng xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra ở ĐBSCL
Tình trạng xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra ở ĐBSCL

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia khoa học trong ngành KTTV  -BĐKH, ở khu vực ĐBSCL hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác quản lý BĐKH còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khả năng lồng ghép các vấn đề về BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành còn hạn chế nên chưa huy động được mọi tầng lớp nhân dân chung tay ứng phó với BĐKH, dẫn đến công tác này chưa đạt được hiệu quả cao.

Cụ thể, theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ về hoạt động truyền thông thích ứng BĐKH của cộng đồng dân cư ven biển ở xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, Tỉnh Trà Vinh và xã Đất Mũi, Tỉnh Cà Mau cho thấy, có đến 58,7% số người chưa từng nghe đến khái niệm BĐKH, 35,3% số người đã từng nghe đến BĐKH nhưng không biết ý nghĩa của cụm từ này… Chính từ sự hiểu biết của người dân về BĐKH cũng chưa cao nên họ chưa thấy được các lợi ích cũng như vị trí, vai trò và trách nhiệm của bản thân để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống trong điều kiện BĐKH đang ngày càng gia tăng như hiện nay. Vì vậy, việc nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực về BĐKH là cần thiết.

Xây dựng chính sách đào tạo nhân lực

Theo các nhà khoa học, để có hiểu biết cơ bản về BĐKH và tác động của nó đến mọi mặt đời sống quả thật là vấn đề khá khó ngay cả đối với công nhân viên chức nhà nước chứ chưa nói đến đại đa số người dân lao động, những người sống trong vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của BĐKH đa phần là người nghèo, mức độ dân trí cơ bản chỉ từ trung bình đến thấp.

Do vậy, để có khả năng lồng ghép các vấn đề về BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội luôn luôn đòi hỏi người cán bộ phải hiểu biết về BĐKH nhiều hơn, sâu hơn. Vì vậy, cần phải đào tạo lực lượng cán bộ hướng tới đáp ứng yêu cầu hình thành hệ thống bộ máy chuyên trách công tác này là điều rất chính đáng. Do đó, trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần dành nguồn ngân sách thích đáng để đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn về BĐKH.

Cán bộ Trung tâm quan trắc môi trường Hậu Giang đang tiến hành đo độ mặn trên một nhánh sông
Cán bộ Trung tâm quan trắc môi trường Hậu Giang đang tiến hành đo độ mặn trên một nhánh sông

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép những buổi tập huấn về BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân để họ hiểu được đầy đủ, chính xác về vai trò quan trọng của công tác ứng phó với BĐKH đối với sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương.

Bài & ảnh: Linh Nga