Bến Tre: Hưởng lợi từ Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 16/09/2014

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai, dự án thích ứng với BĐKH (2010-2015) đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho Bến Tre.
   
(TN&MT) - Từ nguồn tài trợ về kinh phí, hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật của Chính phủ Đan Mạch, tỉnh Bến Tre  đã được chọn thí điểm để triển khai dự án thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)giai đoạn 2010 – 2015. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
   
Xâm mặn cao, khả năng ứng phó thấp
   
  Bến Tre được xác định là một trong các tỉnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Những năm gần đây, các hiện tượng như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, mặn theo các cửa sông chính xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt phục vụ sinh hoạt thiếu trên diện rộng, vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh bị mặn xâm nhập, nguy cơ xảy ra ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng.
   
  Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết: Trong thời gian qua, tác động do BĐKH gây ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre chủ yếu là hiện tượng xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vốn là những thế mạnh của tỉnh. Năm 2005 thiệt hại chủ yếu từ lúa, cây ăn quả, dừa, mía do xâm nhập mặn khoảng 500 tỷ đồng (25 triệu USD), 110.000 hộ không có nước ngọt sinh hoạt trên 280.000 tổng số hộ toàn tỉnh. Năm 2013, tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn khoảng 02 tháng so với năm 2012 và sớm hơn khoảng 1,5 tháng so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn với với nồng độ 4‰ xâm nhập vào nội địa cách các cửa sông khoảng 40 - 50Km, nồng độ mặn 1‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 6.500 ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, chiếm gần 1/3 tổng diện tích gieo cấy, trong đó, có 678 ha bị mất trắng, gần 500 ha bị giảm năng suất khoảng 50%; 3.700 ha cây ăn trái, hơn 400 ha hoa màu, khoảng 100 ha dừa cũng bị ảnh hưởng bởi nước mặn và suy giảm năng suất; hơn 250.000 nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt (chủ yếu tại ba huyện biển). Trong các huyện trên địa bàn tỉnh thì ba huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cao điểm vào các tháng mùa khô (tháng 2 đến tháng 5 hàng năm), người dân nơi đây phải mua nước ngọt với giá cao hoặc sử dụng nguồn nước mặt ít ỏi còn lại từ sông rạch trong khi các nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh.
   
  Theo kịch bản B2 (chi tiết kịch bản trung bình nước biển dâng do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố năm 2011), vào năm 2020 nước biển dâng 12cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 272,09km2, chiếm 12,24 % diện tích, có khoảng 97.890 người sống trong vùng bị ngập. Vào năm 2050 nước biển dâng 30cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 342,08km2, chiếm 15,39% diện tích, có khoảng 102.054 người sống trong vùng bị ngập. Theo kịch bản ranh giới mặn 4‰ tiến vào trong nội đồng vào năm 2020 sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
   
Dự án thích ứng với BĐKH mang lại nhiều lợi ích
   
   
  Từ nguồn tài trợ về kinh phí, hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật của Chính phủ Đan Mạch, tỉnh Bến Tre  đã được chọn thí điểm để triển khai dự án giúp thích ứng với BĐKH giai đoạn 2010 – 2015. Theo đó, từ năm 2010 - 2013 tỉnh đã tổ chức trên 15 lớp tập huấn với trên 3.000 cán bộ của các cấp, ngành trong tỉnh, tổ chức trên 20 lớp tập huấn và tham vấn ý kiến cộng đồng khu vực nhạy cảm với tác động BĐKH; soạn thảo và in ấn trên 15.000 sổ tay, tờ rơi; thực hiện 11 chuyên mục về biến đổi khí hậu trên Đài truyền hình Bến Tre…
   
Mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
    
  Dự án còn đầu tư 5 công trình đê, đập cục bộ (kinh phí cho mỗi dự án dưới 15 tỷ đồng) để giải quyết vấn đề hiện tại xâm nhập mặn, nước biển dâng gây ngập lụt; kết quả các công trình đã ngọt hóa trên 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước ngọt sinh hoạt và sản xuất, cải thiện dời sống của người dân trong vùng. Hỗ trợ cho người dân có nước sạch sinh hoạt thích ứng với tình hình xâm nhập mặn, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 01 và nâng cấp 01 nhà máy cấp nước phục vụ cho trên 2.000 hộ dân; đầu tư xây dựng 2.383 ống hồ có thể tích 2m3 cấp cho các hộ dân trữ nước ngọt; xây dựng mô hình xử lý nước nhiễm mặn công suất 10 - 15m3/ngày đêm đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt cấp cho các hộ dân ven biển.
   
  Bên cạnh đó, với tình hình BĐKH ngày càng gia tăng dẫn đến diễn biến bão ngày càng phức tạp trên biển đông, để chủ động phòng tránh tỉnh Bến Tre đã xây dựng 03 nhà tránh trú bão cho vùng ven biển (huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú). Xây dựng công trình đường di chuyển tránh bão tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, phục vụ cho khoảng 250 hộ dân di chuyển nhanh đến nhà tránh trú bão an toàn.  Ngoài ra, tỉnh còn trồng mới trên 200ha rừng ven biển tại huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Đến nay, rừng trồng đã phát triển tốt góp phần mở rộng diện tích rừng ven biển, bảo vệ môi trường ven biển, chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ, cải thiện đa dạng sinh học.
   
  Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre vui mừng cho biết thêm: dự án thích ứng với BĐKH dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch không những góp phần nâng cao năng lực công tác của cán bộ ở các cấp, các ngành mà còn giúp cộng đồng dân cư hiểu biết nhiều hơn về BĐKH, tham gia tích cực hơn trong ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, dự án còn là cơ hội để các tỉnh, thành phố khác trong cả nước có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm cũng như có thêm những nguồn kiến thức bổ ích về xây dựng các mô hình sinh kế, xây dựng công trình thích ứng nhanh và chống chịu tốt với BĐKH đang ngày càng có những diễn biến phức tạp.
   
                                                                                             Linh Nga