Xí Thoại là nơi có đến 95% người đồng bào dân tộc Bana, còn lại người Chăm H’roi và người Kinh sinh sống, nằm tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Xí Thoại mang đậm những giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có thể nói đến nghệ thuật trình diễn Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Bana, Chăm H’roi được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 1998, tỉnh Phú Yên có chủ trương về việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước thôn, buôn và phong trào xây dựng thôn buôn văn hóa theo Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII), các già làng ở Xí Thoại quyết tâm đăng ký xây dựng thôn văn hóa, tiến hành soạn thảo hương ước với suy nghĩ từ kết quả xây dựng thôn văn hóa sẽ phát huy những mặt tích cực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Sau hai năm thực hiện quy ước, hương ước xây dựng thôn văn hóa, năm 2000, Xí Thoại được công nhận là thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên.
Theo lời giới thiệu về gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số xanh – sạch – đẹp của Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Nguyễn Hữu Duy, phóng viên về thăm Xí Thoại trong những ngày đầu tháng 7 năm 2022.
Vừa đến cổng chào thôn Xí Thoại, chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp thanh bình, con người hiền hòa, núi non trùng điệp với sắc màu xanh thắm bay vút tận bầu trời của cảnh sắc nơi đây.
Hai bên đường cây xanh rợp bóng mát, hoa giấy khoe sắc màu lung lung trong nắng. Nắng càng lên cao hoa càng rực rỡ hòa với màu xanh của cây, lá tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình cho vùng đất Xí Thoại đậm đà phong vị miền sơn cước và hơn hết là người dân nơi đây chân chất, hiền hòa, mến khách.
Đi thăm thú xung quang ngôi làng, chúng tôi gặp cụ bà Lê Thị Nga, người đồng bào Bana sinh sống tại thôn Xí Thoại mấy chục năm nay, bà chia sẻ: Nhiều năm nay, ở Xí Thoại người dân rất chú trọng việc bảo vệ môi trường trong từng hộ gia đình. Người dân nào cũng ý thức bỏ rác đúng nơi quy định để vận chuyển rác đi hay tự hủy rác sinh hoạt tại nhà nên nhà nào đều sạch sẽ, đường làng ngõ xóm không để rác bẩn bừa bãi.
Chị Sô Thị Mộng Thanh, người đồng bào Bana ở Xí Thoại chia sẻ thêm: Cứ hàng tuần, hàng tháng và dịp lễ, tết người dân cùng Đoàn thanh viên ra quân dọn vệ sinh chung. Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng thì cán bộ Trưởng thôn đều dặn dò, nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, đường làng thôn xóm sạch sẽ để tránh bệnh tật do ô nhiễm từ rác thải gây ra nên bà con rất ý thức chấp hành.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông La Lan Tuy - Trưởng thôn Xí Thoại cho biết: Toàn thôn có 219 hộ dân với 608 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Bana sinh sống. Hiện nay, cơ sở hạ tầng trong thôn ngày một khang trang, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở khu dân cư, đường làng, ngõ xóm được bê tông xi măng thuận lợi cho việc đi lại của người dân và vận chuyển nông sản. Bà con ở đây sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp như trồng mía, sắn, trồng rừng kinh tế và chăn nuôi.
Ông La Lan Tuy chia sẻ: Xí Thoại được công nhận là thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên nên bà con rất ý thức chấp hành quy định của hương ước, quy ước, đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung và trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp cho thôn.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh cho hay: Xí Thoại nằm cách trung tâm xã Xuân Lãnh khoảng 2km, là một trong bốn thôn đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ gìn và phát huy tốt truyền thống của cộng đồng người dân tộc. Người dân trong thôn thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan.
Ông Nguyễn Hữu Duy tiếp lời: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thôn làng xanh – sạch – đẹp, văn minh cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự đổi mới của thôn Xí Thoại đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển chung cho toàn xã Xuân Lãnh.