Phú Thọ: Sẵn sàng chờ đấu giá khoáng sản

17/03/2015 00:00

(TN&MT) - Cùng với các tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Cao Bằng, Phú Thọ là 1 trong 4 tỉnh được Bộ TN&MT chọn là khu vực đấu giá khoáng sản đợt I năm 2015. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên tham gia đấu giá theo Luật Khoáng sản 2010. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị được UBND tỉnh rốt ráo triển khai xuống các địa phương có khu vực đấu giá.

Khoanh vùng để chào thầu

Đây là lần đầu tiên việc đấu giá khoáng sản được thực hiện tại Việt Nam, kế hoạch này nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường đúng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 cũng như tinh thần quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đây cũng là giải pháp tối ưu cho việc phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Để đạt được hiệu quả cao nhất trong đấu giá khoáng sản, UBND tỉnh, Sở TN&MT Phú Thọ, UBND 2 huyện Yên Lập, Tân Sơn nơi được chọn là khu vực đấu giá khoáng sản sắt đã tích cực chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với Đoàn công tác của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) tiến hành kiểm tra thực địa, thực hiện khảo sát tại mỏ sắt nằm trên địa bàn 2 xã Trung Sơn (huyện Yên Lập) và xã Thu Cúc (huyện Tân Sơn), tỉnh Phú Thọ.

Khu vực quặng sắt lộ thiên tại Khe Bằng xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.
Khu vực quặng sắt lộ thiên tại Khe Bằng xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

Theo Ông Bùi Tiến Vĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập: Việc tiến hành kiểm tra thực địa và xem xét các vấn đề liên quan đến khu vực quặng sắt Khe Bằng – Thu Cúc do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, UBND huyện Yên Lập đã lập kế hoạch và có phương án tối ưu nhất hỗ trợ đoàn công tác theo đúng Quyết định 03/2014/QĐ-UBND về quy định trách nhiệm của các ngành các cấp, các tổ chức trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Được biết, điểm mỏ nằm trong xã vùng cao Trung Sơn này là vùng núi đặc biệt khó khăn của huyện, trữ lượng khoáng sản lại chưa được điều tra, hơn nữa trong khu vực được đấu giá khoáng sản có diện tích 16,17 km2 còn bị chồng chéo khoảng 500ha là đất rừng phòng hộ, 2 km đường quốc lộ. Vì vậy,  UBND huyện đã phối hợp, giúp UBND tỉnh xác định chính xác khu vực cấm hoạt động khoáng sản. “Từ việc phối hợp của cấp cơ sở, tỉnh đang chỉ đạo rà soát lại và sẽ có văn bản chính thức về vấn đề khu vực cấm. Điều đó tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho việc minh bạch và khoanh vùng đấu giá, thúc đẩy hoạt động mời thầu và làm các thủ tục hành chính liên quan đến đấu giá khoáng sản trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ báo cáo lên các cấp chính quyền để thông báo tới các doanh nghiệp, để khi tham gia đấu giá các doanh nghiệp không còn bị lúng túng” – ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Phú Thọ khẳng định.

Quản lý chặt khoáng sản chưa khai thác

Yên Lập tuy là 1 huyện miền núi nghèo có nhiều người dân tộc Mông và Dao sinh sống, mặt bằng chung về nhận thức chưa được cao, nhưng khi phát hiện có khoáng sản nằm trong khu vực mình sinh sống, bà con đã báo cáo UBND xã Trung Sơn, các cấp chính quyền để kịp thời tìm giải pháp bảo vệ khoáng sản.

Được sự chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Phú Thọ, công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật từng bước được chú trọng phối hợp với Đài truyền thanh truyền hình huyện, UBND các xã tổ chức tuyên truyền Luật Khoáng sản theo Văn bản số 589/TNMT-KS ngày 10/6/2014 Của Sở TN&MT để người dân không di rời tài nguyên, đồng thời cử dân quân theo dõi khu vực lộ thiên này. “Ý thức được điều đó, người dân dân tộc Mông và Dao không chăn thả gia súc cũng như tiếp cận vùng lộ thiên mỏ sắt đã được chính quyền khoanh vùng. Huyện và xã Trung Sơn đang quản lý rất chặt chẽ điểm quặng theo đúng thẩm quyền trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” – ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lập chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với quặng sắt lộ thiên thu được, hàm lượng sắt trong quặng đạt rất cao, trung bình lên tới trên  58% hứa hẹn một khu mỏ có chất lượng tốt, thu hút nhiều đơn vị tham gia. Chính vì vậy, Với tinh thần sẵn sàng cao không ngại khó ngại khổ, UBND huyện Yên Lập luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, tổ chức giám sát việc vận chuyển mẫu vật địa chất đảm bảo đúng khối lượng, chủng loại và không cho các đối lượng “quặng tặc” có cơ hội vào đào bới. Cùng với xã Trung Sơn, UBND huyện đã đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực có khoáng sản khai thác.              

Thanh Thủy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Sẵn sàng chờ đấu giá khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO