Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế): Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Văn Dinh| 23/03/2023 06:48

(TN&MT) - Là địa phương có nguồn khoáng sản đa dạng, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã và đang chú trọng nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và sử dụng khoáng sản hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH).

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn huyện Phú Lộc có 5 khu vực được quy hoạch khai thác đất sét, 9 khu vực khai thác đất làm vật liệu san lấp, 6 khu vực khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 7 khu vực khai thác cát, sỏi bãi bồi... Hiện ở huyện có 10 tổ chức, đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó chủ yếu khai thác đất làm vật liệu san lấp, khai thác mỏ đá. Vào cuối năm 2022, huyện Phú Lộc có thêm 3 mỏ đất được đấu giá thành công. Riêng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nằm trên địa bàn đang có 4 mỏ đá và 2 mỏ đất san lấp.

Huyện Phú Lộc đã phát hiện 7 bãi tập kết trái phép trên các xã thuộc địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, với 5.827,6m3 cát. Sau khi tiến hành bán đấu giá, thu được hơn 500 triệu đồng để xung công quỹ Nhà nước theo quy định.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Lộc từng bước được cải thiện; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH chung của huyện; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản về bảo vệ môi trường dần được quan tâm. Các vấn đề về môi trường được đặt ra ngay từ giai đoạn xin phép thăm dò, khai thác khoáng sản; cùng với công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên đã góp phần chuyển biến nhận thức của cộng đồng, các chủ doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản.

Hiện nay, tất cả các nhà đầu tư phải lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường và quỹ cải tạo phục hồi môi trường trước khi lập các thủ tục liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép khai thác; do đó, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau quá trình khai thác được các nhà đầu tư hoàn thổ theo đúng quy định và tận dụng cải tạo các công trình phục vụ xã hội. Để đảm công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các mỏ, UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với lực lượng công an huyện làm nòng cốt thường xuyên kiểm tra tình hình an ninh trật tự tại các khu vực mỏ khai thác; ngăn chặn các đối tượng manh nha, có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đồng thời, thường xuyên kiểm tra vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản để đảm bảo an toàn. Việc phát hiện và xử phạt vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản luôn được chú trọng. Nhiều trường hợp khai thác cát vượt độ sâu, tập kết và khai thác cát sỏi, đất đai trái phép... đã bị xử lý. Gần đây nhất, vào đầu năm 2021, cơ quan chức năng đã xử phạt mỏ đá Tam Lộc (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) hơn 300 triệu đồng do có nhiều sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt và vận chuyển đất ra khỏi mỏ đá mà không có giấy phép.

Nhiều vướng mắc đang tồn tại trong khai thác khoáng sản tại huyện Phú Lộc cũng được chỉ ra, đơn cử như việc cắm mốc ranh giới khu vực khai thác không đúng với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; trang thiết bị sử dụng phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý việc khai thác, chế biến khoáng sản trái phép còn thiếu, việc áp dụng các chế tài xử lý chưa nghiêm; năng lực tài chính của một số doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản còn hạn chế nên quy mô khai thác còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại...

11.jpg

Khai thác đất tại huyện Phú Lộc

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Đề - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép thường hoạt động vào đêm khuya và sáng sớm, vì thế các đơn vị liên quan phải tăng cường bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện giao thông và công cụ hỗ trợ để kiểm tra đột xuất các hành vi vi phạm. Địa phương kiên quyết xử lý vi phạm và giải tỏa những bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động trái phép, không phù hợp quy hoạch. Huyện cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm, vi phạm các cam kết về trách nhiệm quản lý địa bàn dẫn đến dễ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép...

Đặc thù của địa bàn là nằm trong khu kinh tế nên nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đang và sẽ triển khai là rất lớn, vì thế chúng tôi kiến nghị HĐND và UBND tỉnh bổ sung quy hoạch cục bộ các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn. Huyện cũng đề xuất bổ sung điểm quy hoạch đất làm vật liệu san lấp theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Mặt khác, cấp trên cần thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về các văn bản liên quan cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

Ngoài ra, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế): Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO