Phong trào hiến đất làm đường tại TP.HCM: Khi ý Đảng hòa vào lòng dân

Nguyễn Quỳnh| 02/09/2022 06:43

(TN&MT) - Trong 20 năm, hơn 168.000 hộ dân TP.HCM đã tự nguyện hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, giá trị hơn 10.000 tỷ đồng để mở rộng 5.230 tuyến đường, hẻm.

Đây là thành quả của cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm do Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM phát động, là minh chứng sinh động cho hình ảnh “ý Đảng lòng dân gặp nhau như cánh diều no gió”…

Khi người dân làm theo Đảng...

Những năm 2000, trên địa bàn TP.HCM tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy, chữa cháy. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa VII đề ra chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động thực hiện rộng rãi trong nhân dân, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

hem-62-ly-chinh-thang.jpg

Hẻm 62 Lý Chính Thắng (phường 8, quận 3) được mở rộng thông thoáng nhờ phong trào hiến đất của người dân.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó Trưởng Ban Dân vận TP.HCM cho biết: Triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm được thực hiện rộng khắp, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền miệng, hệ thống mạng xã hội, truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu…; phân công đảng viên trực tiếp làm công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên…

Hẻm 62 Lý Chính Thắng (phường 8, quận 3) dài khoảng 500m, nối từ đường Lý Chính Thắng tới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước kia vốn là một con hẻm nhỏ rộng chưa tới 2m nên việc di chuyển, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mai, trú tại số nhà 62/46 nhớ lại, năm 2018, sau khi được cán bộ địa phương mời lên trụ sở khu phố để nghe kế hoạch mở rộng hẻm của Nhà nước, gia đình bà đã quyết định hiến 4m2 đất.

“Kế hoạch rõ ràng, công khai, hợp tình, hợp lý nên không chỉ riêng gia đình tôi mà đa số các hộ dân trong hẻm đã ngay lập tức tự nguyện hiến đất mở rộng hẻm. Đến giờ, nhìn con hẻm rộng thênh thang, sạch đẹp, không còn dây điện treo chằng chịt như trước kia, tôi mới thấy quyết định hiến đất của bà con chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt…” - bà Mai vui mừng nói.

Tại huyện ngoại thành Củ Chi, gia đình ông Bùi Văn Đèo, cán bộ hưu trí ở ấp Phú Hiệp (xã Phú Mỹ Hưng) đã tiên phong hiến 1.350m2 đất phục vụ xây dựng các công trình giao thông nông thôn mới. “Là đảng viên, mình phải gương mẫu đi đầu khi thực hiện chủ trương mới của Nhà nước, nhờ vậy, hàng trăm hộ dân ở ấp Phú Hiệp đã nhiệt tình hưởng ứng, hiến hàng chục ngàn m2 đất để mở rộng đường Võ Thị Bàng, Cánh Đồng Dược và tuyến kênh tiêu Thai Thai” - ông Đèo cho hay.

hem-19-co-bac.jpg

Hẻm 19 Cô Bắc (phường 1, quận Phú Nhuận) rộng rãi, sạch đẹp sau khi được mở rộng.

Theo thống kê, trong 20 năm qua, tất cả các quận, huyện, TP. Thủ Đức đều có các công trình đường, hẻm được mở rộng bằng sự chung sức của người dân. Trong đó, quận 12 có tổng giá trị hiến đất mở hẻm cao nhất thành phố với gần 1.800 tỷ đồng cho 285.000m2; Huyện Củ Chi có tổng diện tích đất hiến lớn nhất với trên một triệu m2, giá trị gần 651 tỷ đồng; Quận Phú Nhuận đã hoàn thiện 102 dự án mở rộng đường, hẻm với 3.594 hộ dân, hiến gần 20.000m2 đất, giá trị quy đổi ước tính hơn 1.200 tỷ đồng; Quận 3 có 1.425 hộ dân hiến gần 8.100m2 đất, với giá trị khoảng 400 tỷ đồng… Không chỉ đóng góp quỹ đất, người dân TP.HCM còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với hơn 458 tỷ đồng.

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai, kết quả đạt được của cuộc vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm đã khẳng định phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là một trong những giải pháp tối ưu, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.

...và Đảng lắng nghe dân

Ông Trần Quang Sang - Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết, khi triển khai các dự án mở rộng hẻm, chính quyền địa phương luôn khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến đồng thuận của đa số người dân, chỉ thực hiện khi trên 80% người dân đồng ý. Đồng thời, Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí cải tạo hẻm; hỗ trợ người dân kinh phí tháo dỡ, hoàn thiện phần kiến trúc bị ảnh hưởng. Ngoài ra, quận đã tiến hành vận động các hộ dân ở đầu các hẻm không bị ảnh hưởng nhưng được hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án đóng góp kinh phí để cùng tham gia với Nhà nước hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng nhiều, theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, để hỗ trợ cập nhật giấy tờ nhà đất bị biến động sau khi người dân hiến đất, Sở đã chỉ đạo Phòng TN&MT các quận, huyện phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát các tuyến đường, hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng đã được cấp Giấy chứng nhận để thống kê, điều chỉnh miễn phí cho người dân.

Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng các tuyến đường, hẻm là rất đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tế của TP.HCM. Chủ trương đúng, cách làm đúng, ý Đảng đã hòa vào lòng dân nên cuộc vận động đã thật sự mang lại những kết quả to lớn, không chỉ với người dân mà còn đối với sự phát triển chung của Thành phố.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trên địa bàn không còn những con hẻm chật hẹp; không còn những khu dân cư ổ chuột, những chung cư cũ mất an toàn; không còn khu dân cư ven và trên kênh rạch.

Vì vậy, TP.HCM sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đóng góp đất đai, tài sản trên đất để mở hẻm, làm đường, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần phát huy kết quả, chọn ra những công việc cụ thể để thống nhất trong nội bộ, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết: Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ chính thức ban hành cơ chế tài chính để hỗ trợ người dân hiến đất. Phải xác định, việc thực hiện chủ trương này không chỉ bằng quyết tâm chính trị, bằng tình cảm hay trách nhiệm mà còn nghiên cứu đến các lợi ích kinh tế của người dân. Coi đây là đầu tư ngân sách của Thành phố cho chi phí chỉnh trang đô thị, đầu tư mang lại môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào hiến đất làm đường tại TP.HCM: Khi ý Đảng hòa vào lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO