(TN&MT)- Nguồn nước có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Vậy nên, vào dịp diễn ra các lễ, hội truyền thống hằng năm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có những nghi lễ thờ cúng thần nước trên sông, ven biển và nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người dân châu thổ Cửu Long.
Đối với người Kinh, người Khmer, người Hoa... vùng ĐBSCL, dòng sông, dòng nước là một thành phần quan trọng mang lại lợi ích thiết thực và phục vụ đắc lực cho mỗi con người không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần. Thế nên, từ xa xưa, những căn nhà của người dân thường hướng ra bờ sông, trước nhà là một bàn thờ ông thiên để ngoài trời, đơn giản với lư hương, ly nước như là những nguyện cầu thầm kín giao hò với trời đất. Không những thế, những ngôi chùa cổ của cư dân Việt thường xây dựng bên cạnh dòng sông, nơi đoạn dòng tương đối thẳng, nước chảy vừa phải để mọi thiện nam tín nữ ghé viếng chùa cúng Phật.
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Trường Đại học Cần Thơ, không phải ngẫu nhiên mà vùng đất ngập nước châu thổ Cửu Long này lại là nơi sản sinh sớm và lan rộng nhiều tôn giáo nội sinh với hàng trăm ngàn tín đồ, mà phần lớn trong số họ là những người nông dân vùng châu thổ gắn bó nhiều đời với sông nước Cửu Long. Nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân gắn bó với mùa nước sông Mê Kông như Lễ hội đón nước, đưa nước, đua ghe ngo,…
Trong những ngày này, bà con dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đang tề tựu về các phun sóc, chùa chiềng chuẩn bị các vật dụng để tham gia Lễ hội Óoc Om Bóc năm 2023 đang cận kề. Theo kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng, Lễ hội Óoc Om Bóc năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 27/11/2023 với các hoạt động chính như đua ghe ngo, cúng trăng và thả đèn nước.
Thả đèn nước (Lôi Prôtip) là một trong những nghi lễ rất quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer nhằm bày tỏ lòng tri ân, thành kính đối với các vị thần nước, thần đất đã phù hộ cho họ làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Thượng tọa Lý Đức, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nước là một thành phần mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi con người. Vì vậy, trong các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer hàng năm như Óoc Om Bóc, Chol Chnam Thmay,…đều có nghi lễ thờ cúng liên quan đến nước.
Theo Thượng Tọa Lý Đức, nghi lễ thả đèn nước trong lễ Óoc Om Bóc không chỉ đơn thuần là sự tạ ơn của người dân sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với các vị thần đã bảo trợ cho mùa màng bội thu, mà còn là sự trân quý, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên; đồng thời đây cũng là dịp để lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer.
Không chỉ đồng bào dân tộc Khmer mà ngay cả người Kinh, người Hoa,... vùng ĐBSCL cũng có những phong tục, tín ngưỡng liên quan đến các vị thần đất, thần nước. Cứ vào dịp giữa tháng Giêng hàng năm, tại Miễu Bà xóm Chài (khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) lại diễn ra Lễ hội Tống Phong thu hút hàng trăm ghe thuyền của các thương hồ và những người mưu sinh gắn liền với sông nước tề tựu về tham dự vang động cả một khúc sông.
Ông Nguyễn Kim Thơ, ở khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng cho biết: “Những người tham gia Lễ hội Tống Phong sẽ thực hiện nghi thức dội nước, ném nước vào nhau với mong muốn tống tiễn đi hết những điều không may mắn, xui rủi, bệnh tật… cầu cho năm mới mưa thuận gió hoà, ăn nên làm ra, mọi sự hanh thông”.
Vùng ĐBSCL không chỉ có hệ thống sông ngòi chằng chịt mà nơi đây còn có hàng trăm kilomet bờ biển trãi dài qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Cũng giống như thương hồ, người mưu sinh gắn liền với sông nước, những ngư dân đi biển thường thờ cúng Cá Ông, Bà Cậu và các nữ thần có liên quan đến vùng biển như Thủy Long Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Hòn, Thiên Hậu Thánh mẫu và các vị thần linh vô hình hoặc hữu hình mà ông cha đã từng tế lễ thể hiện lòng tri ân và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, xóm làng sung túc, ngư dân ra khơi bình yên trở về, đánh bắt nhiều cá, tôm…
Có thể thấy, nghi lễ thờ cúng thần nước, thần đất có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng ĐBSCL. Ngày nay, thông qua những nghi lễ này, người dân không chỉ cảm ơn các vị thần linh đã che trở, phù hộ cho mùa màng bội thu, đời sống sung túc; gửi gắm những nguyện cầu thầm kín, mà đây cũng là dịp kêu gọi mọi người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, nguồn nước trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và tác động của còn người, góp phần xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL ngày càng thịnh vượng, bền vững.