Tài nguyên

Phong Điền (Thừa Thiên – Huế): Khai thác quỹ đất hiệu quả để phát triển kinh tế

Văn Dinh (thực hiện) 14/08/2023 - 14:14

(TN&MT) - Là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, Phong Điền đã triển khai nhiều giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai; trong đó công tác đấu giá quyền sử dụng đất đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Thân Mạnh Tuấn – Trưởng phòng TN&MT huyện Phong Điền.

pd-1.jpg
Ông Thân Mạnh Tuấn

PV: Xin ông cho biết, thông qua công tác đấu giá đất để tạo nguồn thu đã có đóng góp như thế nào vào việc phát triển kinh tế của người dân và địa phương?

Ông Thân Mạnh Tuấn: Huyện Phong Điền có diện tích 94.566,11 ha, bao gồm 3 nhóm đất chính, gồm nhóm đất nông nghiệp 80.153,91 ha; nhóm đất phi nông nghiệp 11.833,13 ha và nhóm đất chưa sử dụng 2.579,08 ha.

Trong những năm qua, công tác đấu giá tạo nguồn thu trên địa bàn huyện được quan tâm đúng mức, quá trình đấu giá được thực hiện nghiêm, đảm bảo công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của các cơ quan liên quan. Từ năm 2022 đến nay, huyện Phong Điền đã tổ chức bán đấu giá 147 lô, tổng diện tích 32.534,41 m2, với giá trị 200.412.498.000 đồng. Trong năm 2023, quỹ đất tồn đọng năm 2022 đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, thu hồi và giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để đấu giá là 187 lô, hiện nay UBND tỉnh đang phê duyệt giá cụ thể để đấu giá, UBND huyện sẽ phê duyệt giá khởi điểm để giao Trung tâm phát triển quỹ đất đấu giá theo quy định.

Xác định rõ đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, huyện Phong Điền tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất đai, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận đất đai để đầu tư kinh doanh. Trong những năm gần đây, nguồn thu từ đất đai đã giúp kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; góp phần ổn định sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn thu trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất được phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, trường học, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở văn hóa, trụ sở làm việc...

Thông qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn góp phần giải quyết nhu cầu về đất ở, nâng cao chất lượng nhà ở của nhân dân. Bên cạnh đó, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng chỉnh trang khu trung tâm các xã định hướng thành phường, trọng tâm là chỉnh trang Quốc lộ 1A đoạn ngã tư Hòa Mỹ đi Đồng Lâm, các tuyến đường trục chính thị trấn Phong Điền, chỉnh trang khu trung tâm Điền Lộc, đường trục chính xã Phong An, các tuyến giao thông xã Phong Hiền, Điền Hải - Phong Hải, Phong Hòa; huy động đầu tư các thiết chế văn hóa, điện chiếu sáng, công trình nâng cao tiêu chí đô thị loại IV, từng bước sớm đưa Phong Điền trở thành thị xã theo tinh thần Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị.

pd1.jpg
Công tác đấu giá đất ở Phong Điền góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo

PV: Vậy những khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai đang gặp phải ở địa phương là gì, thưa ông?

Ông Thân Mạnh Tuấn:

Đất đai là lĩnh vực quan trọng, là tài nguyên vô cùng quý giá nên không thể tránh khỏi những vướng mắc, bất cấp trong công tác quản lý và sử dụng. Tại địa bàn huyện, các vi phạm về chính sách, pháp luật về đất đai như, tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định vẫn còn xảy ra.

Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm.

Ngoài ra, tình trạng dự án Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng tuy đã được khắc phục nhưng vẫn còn xảy ra gây lãng phí nguồn lực đất đai.

pd2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn Phong Điền

PV: Xin ông cho biết, thời gian tới, để quản lý hiệu quả quỹ đất trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, huyện sẽ có những cách làm nào?

Ông Thân Mạnh Tuấn:

Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với các tổ chức, cá nhân, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng; tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tốt quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 05/5/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Phong Điền. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ đất đai, trụ sở và quỹ đất được giao quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai, thực hiện việc đăng ký đất đai đối với trường hợp chưa đăng ký và đăng ký khi có biến động theo quy định của Luật Đất đai.

Mặt khác, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai với các tổ chức, đảm bảo quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Toàn huyện Phong Điền hiện nay có 1.132 hộ nghèo với 2.446 khẩu, chiếm tỉ lệ 3,8 %, khu vực thành thị hộ nghèo còn 0,86 %. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 533 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,65 %

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong Điền (Thừa Thiên – Huế): Khai thác quỹ đất hiệu quả để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO