Phòng chống thiên tai chủ động - Hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở: Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó

Tuyết Chinh| 21/05/2020 14:16

(TN&MT) - Đội xung kích phòng chống thiên tai tại chỗ là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp đầu tiên tại cơ sở.

Đông nhưng chưa mạnh

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019 với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng” đã mang lại những kết quả rõ nét trên địa bàn. 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã thành lập các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, với sự tham gia của 64.948 người gồm: Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, đoàn thanh niên, lao động nông nhàn có sức khỏe, biết bơi...

Diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Đội xung kích phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các cấp chính quyền sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, giúp dân sửa chữa nhà cửa vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống... Ngoài ra, trong năm 2019, 20/26 quận, huyện, thị xã có đê đã thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân với tổng số 157 người…

Theo ông Sơn, nhờ thực hiện hiệu quả Tuần lễ, nhiều người dân Thủ đô đã ý thức được sự nguy hiểm của thiên tai nên rất ủng hộ chính quyền cơ sở và tự nguyện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai bằng những việc làm cụ thể như: Người dân đã tự giác chằng chống, gia cố nhà cửa, giúp đỡ các thành viên trong cộng đồng sơ tán người và tài sản khi có lệnh báo động lũ trên các sông... Chính vì vậy, năm 2019, TP. Hà Nội đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng...

Mặc dù vậy, ông Sơn đánh giá, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã trên địa bàn thành phố tuy “đông” nhưng “chưa mạnh”. Lý giải thực tiễn này, ông Sơn cho rằng, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã hiện nay phần lớn đều trong độ tuổi lao động, thường đi làm ăn ở xa địa phương... Vì vậy, khi xảy ra tình huống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã sẽ gặp khó khăn để huy động đủ lực lượng.

Mặt khác, lực lượng này chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn... nên đã ít nhiều làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã...

Phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở

Để nâng cao năng lực phòng, ngừa, ứng phó thiên tai từ cấp cơ sở, ông Sơn cho biết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, rút kinh nghiệm để củng cố, kiện toàn bảo đảm về số lượng, chất lượng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã... Các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng, bảo đảm tốt nhất khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay tại cơ sở...

Xuất phát từ tình hình thực tế, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn có những chỉ đạo sát sao về công tác phòng chống thiên tai (PCTT), những năm gần đây, sự chung tay của cả cộng đồng, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. Hiện nay, cả nước đã có khoảng 75% xã hình thành Lực lượng xung kích PCTT.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng xây dựng kế hoạch, triển khai Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2020 gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân thành phố; diễn tập phòng, chống thiên tai tại các địa phương có vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu và thường xuyên bị ngập lụt...

Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng lực lượng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã kiến nghị Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai có hướng dẫn cụ thể về trang bị công cụ, dụng cụ, bảo hộ lao động và các chế độ chính sách, bồi dưỡng cho lực lượng này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống thiên tai chủ động - Hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở: Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO