Phòng chống ma túy và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Tuyên truyền cao điểm, duy trì thường nhật

Việt Hải | 17/06/2021, 14:12

(TN&MT) - Phòng chống ma túy và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là nội dung hoạt động cao điểm tháng 6/2021 vừa được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế phát động, Ủy ban Dân tộc hưởng ứng và phát động trong Cơ quan dân tộc các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tin, báo chí nhằm tuyên truyền rộng rãi đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ma túy và HIV là hai vấn nạn xã hội có mối liên hệ tác động tới nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi cá nhân ở tất cả các thành phần xã hội. Trong các đối tượng nguy cơ cao, đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhóm dễ bị tác động.

Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy

Đó là thông điệp Thủ tướng Chính phủ muốn truyền tới các cấp các ngành, các cơ quan chức năng và trực tiếp tới từng người dân, đặc biệt trong tháng cao điểm hành động phòng chống ma túy trên quan điểm lấy tháng 6 làm cao điểm phát động, duy trì tuyên truyền thường xuyên để từng người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ tiếp xúc, tổn thương do ma túy thấm nhuần hàng ngày hàng giờ.

Kể từ Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6/2001, đến nay, qua 20 năm triển khai, Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6) và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6) đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma túy.

Để các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy được tổ chức đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.

Mục đích của việc triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy nhằm tạo điểm nhấn trong chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, cơ quan thành viên Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.

Huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy; tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông, hỗ trợ cai nghiện và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng...

Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo, lôi kéo sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy trên mạng xã hội; truy tố và xét xử các vụ án ma túy điểm để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ, còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh.

*Công tác tuyên truyền cần hướng tới đối tượng trọng tâm là phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, giúp những người chuẩn bị mang thai, đang có thai hiểu được tầm quan trọng của việc tầm soát HIV, chủ động đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nghe tư vấn hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con để có biện pháp xử lý trong các tình huống cụ thể.
* Nội dung tuyên truyền cần giúp các bà mẹ nói chung, phụ nữ dân tộc miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng hiểu cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con chủ yếu là qua bánh nhau khi đang mang thai, qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ sinh, qua sữa khi cho con bú. Khả năng người mẹ bị nhiễm HIV có thai có thể truyền HIV cho con là 20-30% (nếu không được áp dụng các biện pháp phòng ngừa). Phụ nữ bị nhiễm HIV nếu có thai sẽ bị biến chuyển thành bệnh AIDS nhanh hơn những người khác.

Thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg và Công văn số 1477/VPCP-KGVX của Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì tổ chức triển khai các hoạt động nhân tháng hành động quốc gia phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021 từ ngày 1/6 đến 30/6/2021 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”.

Chương trình đã đưa ra các khẩu hiệu hành động cụ thể, rõ ràng – đó cũng là giải pháp hướng tới trực tiếp từng cá nhân phụ nữ, mở ra cho họ những thông điệp cụ thể, nhắc nhở trách nhiệm của người mẹ trước sinh mệnh, số phận của đứa con mình đang mang trong người. Quyết định và hành động của người mẹ sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc đời đứa trẻ.

Quyết định và hành động của người mẹ sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc đời đứa trẻ (Trong ảnh: Chị H’Đum Êban tuyên truyền nâng cao nhận thức về sinh sản an toàn cho các phụ nữ người DTTS - năm 2019)

Vì vậy, mục đích của công tác tuyên truyền bên cạnh thúc đẩy sự tham gia của hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 thì còn đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong đọ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có nguy cơ cao... về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Công tác tuyên truyền còn truyền đi một thông điệp về giảm kỳ thị đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền cung cấp thuốc, chẩn đoán sớm nhiễm HIV trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và đấy mạnh các can thiệp nhằm tăng cường chất lượng dự phòng.

Giảm kỳ thị, tăng hỗ trợ đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV là một trong những thông điệp tuyên truyền

* Các cơ sở y tế chuyên sâu về phòng chống HIV/AIDS bao gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Khoa sản Bệnh viện tỉnh, Khoa sản các Trung tâm Y tế.
* Trên thực tế, lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể ngăn ngừa được. Nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%.
* Để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần biết nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV để áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, thực hiện các hành vi an toàn; trước khi kết hôn, trước khi định có thai nên đi xét nghiệm HIV để được cán bộ y tế tư vấn.
* Khi đã bị nhiễm HIV, tốt nhất không nên có thai. Nếu đã có thai nên cân nhắc việc bỏ thai sớm. Nếu vẫn quyết định sinh con, bà mẹ nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn sâu hơn và xem xét khả năng sử dụng một số thuốc làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
* Phụ nữ đã phát hiện nhiễm HIV và đã dùng thuốc điều trị HIV vẫn cần tiếp tục phác đồ trong giai đoạn chuyển dạ sinh con. Thai nhi hoàn toàn không thể tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc với HIV trong máu, dịch tiết của mẹ trong quá trình sinh đẻ. Vì vậy, việc tiếp tục dùng các loại thuốc chống HIV sẽ duy trì được tải lượng siêu vi trong cơ thể mẹ ở mức thấp nhất, giảm thiểu nguy cơ ngăn ngừa lây HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là lúc gần sinh.
* Việc sinh mổ theo lịch trình cũng có thể làm giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con ở những phụ nữ có tải lượng virus cao (hơn 1.000 bản sao virus/mL máu) hoặc tải lượng virus không xác định gần thời điểm chuyển dạ. Theo đó, sinh mổ với mục đích này sẽ được lên kế hoạch vào tuần thứ 38 của thai kỳ.
* Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Đối với người phát hiện có nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng virus đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con, sau đó phối hợp thêm các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền HIV ở mức thấp nhất.
Bài liên quan
  • Nâng cao năng lực truyền thông về Phòng chống tác hại của thuốc lá
    (TN&MT) - Ngày 19/11, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Qũy Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của một số Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa, thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Sở TN&MT Gia Lai: Làm tốt công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong năm 2024, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO