Ngành TN&MT

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phát triển kinh tế tuần hoàn để giữ tài nguyên mãi trường tồn

Khương Trung - Khánh Ly 16/11/2023 18:24

(TN&MT) - Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023 sáng 16/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Mục tiêu kinh tế tuần hoàn cần được nhìn trong toàn bộ chuỗi từ tài nguyên đến thiết kế, sản xuất, tiêu dùng. Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi trường tồn, ở đây là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức.

small_pttg(1).jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội. Sự kiện nhằm triển khai những định hướng, chính sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy thực hiện KTTH tại Việt Nam, xác định lộ trình, thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực song phương và đa phương từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH tại Việt Nam hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Con đường phát triển kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh các mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên trước đây gây ra những ảnh hưởng sâu sắc như tình trạng nóng lên toàn cầu hay đại dịch covid-19. Nếu cùng tiếp cận dưới góc độ KTTH, các nước dù phát triển hay đang phát triển sẽ có sự gắn kết chặt chẽ để cùng đi trên lộ trình tiến tới nền kinh tế tri thức, tăng trưởng bền vững và mục tiêu cuối cùng là không để ai bị bỏ lại phía sau.

small_pttg-vs-bt(2).jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Cách đây 5 năm, KTTH là dường như là một điều xa vời trong nghiên cứu của các học giả, nhưng đến nay, Việt Nam đang có những hành động thực tiễn, đoàn kết các bên liên quan để cùng tìm ra giải pháp hiện thực hóa. Kế hoạch hành động thực hiện KTTH là cơ sở để kết nối Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân, cộng đồng quốc tế; biến những điều phức tạp thành đơn giản và mỗi người đều nhận thức đúng, có sự cộng hưởng để đạt được mục tiêu cao nhất.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Mục tiêu kinh tế tuần hoàn cần được nhìn trong toàn bộ chuỗi từ tài nguyên đến thiết kế, sản xuất, tiêu dùng. Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi trường tồn, ở đây là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức. Đòi hỏi chúng ta phải chuyển lý luận thành chính sách và khuôn khổ pháp lý, đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan.

small_bt-khanh-5.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Diễn đàn

Mọi chi phí, kết quả kinh tế phải được hạch toán, để thấy rằng tiếp cận kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích như thế nào, hướng cho mọi người mô hình phát triển tốt hơn. Mọi chi phí kết quả kinh tế đạt được cần được hạch toán cụ thể. Trong đó, cần cả quy chuẩn mang tính chất kỹ thuật và kinh tế, và các tiêu chuẩn xã hội về nhận thức, văn hóa đối với mỗi người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thiết chế tài chính cần thay đổi để đạt được mục tiêu đề ra. Lĩnh vực khoa học công nghệ cũng cần đưa ra những công nghệ đột phá, cốt lõi, chuyển đổi năng lượng thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và lộ trình triển khai trong thời gian tới, Diễn dàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 đã đón nhận nhiều tham luận chất lượng. Đó là bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vơi tham luận “Thúc đẩy các giải pháp Kinh tế tuần hoàn để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững”; “Cách tiếp cận Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG) trong thúc đẩy KTTH” của ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO), Tập đoàn SCG; “ Hợp tác Công-Tư để để triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” của bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam. Ông Đỗ Thanh Sơn – đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đưa ra cam kết cam kết đồng hành về tài chính thực hiện Kinh tế tuần hoàn.

small_bt-chup-luu-niem(1).jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Trong phiên thảo luận, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương; WWF Việt Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh; Quỹ Dragon Capital đã cùng chia sẻ thông tin và các quan điểm về giải pháp thúc đẩy triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Diễn đàn cũng nghe ông Joss Bleriot, Lãnh đạo điều hành chính sách toàn cầu, Tổ chức Ellen MacArthur Foundation chia sẻ về cách nền kinh tế tuần hoàn giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học; ông Christian Kaufholz, Giám đốc Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chia sẻ về cách thức Việt Nam có thể chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn nhựa.

small_pttg-xem-gian-hang1(2).jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tham quan các gian triển lãm kinh tế tuần hoàn

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn KTTH Việt Nam 2023, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chia sẻ, đây cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH. Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lồng ghép KTTH trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện KTTH phù hợp với Kế hoạch quốc gia và đặc điểm của ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với Bộ TN&MT để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

small_bt-khanh-2.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Chiều cùng ngày, Diễn đàn tiếp tục được chia thành 3 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: Lộ trình triển khai KHHĐQG về thực hiện KTTH; Phương pháp tiếp cận ESG để thực hiện KTTH trong doanh nghiệp; Cơ chế tài chính cho KTTH. Các phiên thảo luận tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

image-1.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tham quan các gian triển lãm kinh tế tuần hoàn.

Tại Diễn đàn, cũng có gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về các mô hình, giải pháp thúc đẩy KTTH nhằm hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phát triển kinh tế tuần hoàn để giữ tài nguyên mãi trường tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO