Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đôn đốc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia

Hoàng Hiền | 29/07/2022, 20:57

(TN&MT) - Ngày 29/7, tại Trụ sở Chính phủ kết nối tới điểm cầu các tỉnh, thành trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương với các địa phương về kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; cùng lãnh đạo các bộ, ngành; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Cần tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2022, đã ban hành 68 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tích cực chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, làm cơ sở để triển khai các Chương trình MTQG. Song song với đó là việc đang hoàn thiện thủ tục để ban hành 30 nhiệm vụ còn lại.

19282796_29.7-quang-canh_22-07-29.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Mình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tuy nhiên, công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 còn gặp nhiều khó khăn do tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản liên quan còn chậm và chưa được đồng bộ, kịp thời. Đặc biệt là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022, dẫn đến việc các địa phương chậm triển khai và giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG.

Qua tổng hợp đề xuất, kiến nghị từ các bộ, ngành và địa phương, có 33 kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn; đẩy nhanh tiến độ, phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương; tháo gỡ khó khăn bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện một số Tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững về cải thiện dinh dưỡng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; tiếp tục bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đề nghị bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới;…

Chủ động vào cuộc triển khai các Chương trình MTQG

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến nay, các địa phương đã chủ động bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, điều hành Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các nhiệm vụ cơ bản được thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Do là chương trình MTQG mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể với quy mô lớn, nên các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai trong khi quy mô các công trình, các nội dung chính sách lại nhỏ, được quy định với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau; nhiều bộ, cơ quan Trung ương tham gia chủ trì quản lý, số lượng lớn các văn bản bản hướng dẫn, văn bản hành chính... phải triển khai xây dựng, ban hành, nên dễ xảy ra chậm trễ trong việc tổng hợp, xác định và cân đối nguồn lực cho nội dung ưu tiên, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình. Một số nội dung còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, đòi hỏi cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đạt được sự thống nhất, đồng thuận; Thông tư và một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành chậm, do đó địa phương gặp nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện.

Đồng thời, quá trình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nằm trong mối liên quan chung về công tác chỉ đạo, điều hành với các Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, hoàn thiện phương án phân bổ vốn và triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị, Ủy ban Dân tộc đưa ra đề xuất các giải pháp như: Tăng cường nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các địa phương; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức của đồng bào; triển khai các hoạt động huy động đa dạng hóa nguồn vốn, nhất là vốn ODA; tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; kịp thời đề xuất, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan, không phù hợp để bảo đảm thống nhất, đồng bộ…

Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo, chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sắp xếp, bố trí bộ máy cơ quan công tác dân tộc cấp cơ sở để tổ chức thực hiện Chương trình; việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; thẩm quyền ban hành một số định mức sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển… Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng đề nghị địa phương quan tâm phân bổ vốn; kiện toàn bộ máy công tác dân tộc để triển khai thực hiện hiệu quả; sớm xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023…

19315370_29.7-bo-truong-hau-a-lenh_22-07-29.jpg

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc triển khai các Chương trình MTQG bảo đảm tiến độ.. Lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành quan tâm, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các văn bản hướng dẫn, việc phân bổ vốn, quy trình giám sát và khó khăn trong quy trình triển khai một số dự án, tiểu dự án cụ thể…

Quyết tâm thực hiện các Chương trình MTQG đạt hiệu quả cao nhất

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn và các văn bản liên quan, bảo đảm hệ thống pháp lý, tính liên thông, hướng dẫn đầy đủ, cũng với đó, các địa phương phải đặc biệt quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, giải ngân nguồn vốn năm 2022 đúng tiến độ.

Đối với những kiến nghị cụ thể của các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, với tinh thần quyết tâm cao nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bài liên quan
  • Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia
    (TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 để đánh giá Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 vùng DTTS và miền núi; Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả 1 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Sở TN&MT Gia Lai: Làm tốt công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong năm 2024, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO