Phép mầu nhiệm Phục sinh

Trí Việt | 02/04/2021, 19:35

(TN&MT) - Cùng với Giáng sinh, Lễ Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của đồng bào Công giáo - Thiên Chúa Giáo.

  • Lễ được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm chúa Giê-su với ước vọng của cộng đồng Giáo dân về một sự phục sinh trong vinh quang của Chúa - người đã xuống trần gian, chịu mọi khổ hạnh để chuộc tội cho con người.

Tương truyền, Đức Chúa Giê-su trong khi đi cứu rỗi con người đã bị bắt sau Lễ rửa chân và bị hành hình trên cây thập tự cho đến chết.

Tranh mô tả cảnh Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá

Tuy nhiên, khi tới thăm mộ của ngài, người ta chỉ thấy ngôi mộ trống rỗng. Chính vì vậy, người ta tin rằng Chúa Giê-su đã sống lại vào ngày Chủ Nhật. Sự kiện này được gọi là sự phục sinh của Chúa Giê-su.

Vậy nên, để tưởng nhớ ân đức của Chúa Giê-su và thể hiện đức tin vào sự phục sinh của ngài, Lễ Phục sinh bắt buộc diễn ra vào đúng ngày Chủ Nhật, sau ngày rằm (trăng tròn) và phải kề sau tiết Xuân phân. Theo cách tính đó thì chính Lễ Phục sinh năm 2021 sẽ là ngày Chủ nhật 4 tháng 4 dương lịch.

Quan niệm Phục Sinh là trọng tâm của niềm tin trong Thiên Chúa Giáo. Trong tâm niệm của người theo đạo Thiên Chúa, sự hồi sinh của Chúa Giê-su sau khi bị chết vì đóng đinh trên thập tự giá đã khiến cho ngài trở thành người có quyền năng đem lại cho họ đời sống vĩnh cửu. Và chính niềm tin ấy là điều mà người theo đạo Thiên Chúa xướng lên hàng năm trong dịp lễ Phục sinh cũng như hàng tuần trong ngày Chủ Nhật.

Với họ, Chúa Giê-su và ngày lễ Phục sinh như một biểu tượng cho sự hồi sinh, mang lại sự sống mới.

Bên cạnh đó, ngày lễ Phục sinh còn diễn ra vào mùa xuân, mùa của sự sinh sôi, nảy nở nên lại càng tiếp thêm sức mạnh để họ tin vào những điều tốt đẹp, những sự hồi phục kỳ diệu và một tương lai tốt đẹp hơn.

Trứng được xem là biểu tượng trong Lễ Phục sinh bởi quan niệm khả năng sinh sản và tái sinh, sự đổi mới và sức sống

Trong một quan niệm mở, người ta cho rằng đức tin vào Chúa Giê-su sống lại hôm nay không quan trọng là một bản tường trình rằng Chúa Giê-su vượt qua từ sự chết đến sự sống thế nào? Ngài làm thế nào mà hiện ra trong cách sống không còn như xưa nữa?

Không cần phải tường trình về cách thế sống lại. Tuy nhiên, nhờ vào sự hiện diện và hành động của Chúa Giê-su sống lại trong đời sống của mình, những tín đồ Công giáo không thiên về giải thích mà đinh ninh vào phép mầu nhiệm về một sự phục sinh.

“Chúng ta có bị thu hút về Chúa Giê-su sống lại và hiện đang sống không?… chúng ta có nguồn hy vọng để biết nhìn thấy quyền năng sống lại của Thiên Chúa trong các cơn thử thách không? Chúng ta là môn đệ của Đấng Sống lại, Ngài kêu mời chúng ta đừng bao giờ đặt hòn đá thất vọng trên bất cứ sự gì, nhưng luôn luôn hy vọng. Có lẽ điều sống lại sẽ khác với điều ta mơ ước, nhưng chắc chắn là điều tốt đẹp hơn”.

Và như vậy, sự phục sinh của Chúa Giê-su minh chứng rằng sự sống chính là sự trung thành với Thần khí, Đấng tác tạo con người mới của sự công chính và tình yêu Chúa Cha. Buổi sáng phục sinh, lúc mà trong tiếng động đất, Chúa Giê-su đã “trỗi dậy” và tiến vào sự sống thật. Như thế, Ngài muốn thuyết minh, con đường đưa tới hạnh phúc thật, con đường dẫn đến sự sống lại, không đi qua tội lỗi mà qua lòng yêu mến Thiên Chúa.

Ánh sáng nhiệm màu của sự "trỗi dậy" trong buổi sáng Phục sinh

Trong Lễ Phục sinh, các bài thánh ca Phục sinh, bài hát lễ Phục sinh cũng chính là một phần quan trọng của ngày lễ đặc biệt này. Ca từ, giai điệu của những bài hát lễ Phục sinh đều bày tỏ sự vui mừng, hân hoan vì sự sống lại của Chúa Giê-su, bên cạnh đó còn là sự biết ơn và mong ước cho một sức sống mới đầy sự tích cực, may mắn, tươi sáng hơn.

Cùng với đó, người ta chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa cho bản thân, cộng đồng và thế giới: “Lễ Phục sinh soi sáng tâm hồn và ngôi nhà sẽ mang lại ấm áp, hạnh phúc và sức khỏe đến với bạn, và Chúa bảo vệ bạn!”; “Chúa mang đến cho bạn một cầu vồng sau mỗi cơn bão, một nụ cười sau những giọt nước mắt, mỗi bước đi một phước lành và luôn là câu trả lời cho mọi câu hỏi. Happy Easter!”; “Chờ đợi hòa bình, hòa giải, niềm vui và hạnh phúc của cứu rỗi mọi linh hồn ... chúng ta cùng nhau dành một chút thời gian để cảm tạ Chúa vì tất cả mọi thứ Ngài đã ban cho chúng ta”; “Chúa ban phúc lành và bảo vệ bạn khỏi tất cả các tệ nạn biết và chưa biết. Mang đến sức khỏe và những điều tốt nhất”...

Đức Giáo hoàng Pha-xi-cô - người đã có những cuộc tiếp các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam - và lời chúc trong Lễ Phục sinh 5/4/2015

Ở nhiều quốc gia có đạo, Lễ Phục sinh là ngày đại lễ, người dân sẽ được nghỉ ngơi, ăn mừng. Tại Việt Nam, cùng với niềm hân hoan thực hiện những nghi thức lễ hội cơ bản, Lễ Phục sinh cũng là dịp người Công giáo nhớ đến và chia sẻ, quan tâm đến những người có hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội dưới nhiều hình thức thăm hỏi, tặng quà, động viên... theo đúng tinh thần chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam, đó là: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”

Trên tinh thần cùng chung mục đích cao đẹp ấy, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, quan tâm tới Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhằm hiện thực hóa phương châm tốt đời đẹp đạo trong cộng đoàn Dân Chúa, thúc đẩy xây dựng “một Giáo hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo hội bản địa, một Giáo hội hội nhập trong một nền văn hóa”, góp phần xây dựng đất nước, xã hội, Giáo hội phát triển bền vững, thăng tiến về mọi mặt, mọi người ấm no, bình an và hạnh phúc.

Nhân dịp Lễ Phục sinh năm 2021, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng trực thuộc cùng lãnh đạo các địa phương đã gửi lời chúc mừng, thăm hỏi tới Hội đồng Giám mục Việt Nam, các Giáo tỉnh, Giáo phận, Giáo xứ, Giáo họ, Cộng đoàn dòng tu; các Học viện Công giáo, Đại chủng viện Thánh… chia sẻ niềm vui với Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Phó tế, Quý Tu sĩ, Chủng sinh và toàn thể Cộng đoàn Dân Chúa...

Bài liên quan
  • Nam Định và Ninh Bình: Giáo dân chung tay bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Trong những năm qua, để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2020, không thể không nhắc đến những đóng góp vào thành quả chung của các giáo dân tại 2 Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO