Dân tộc - Tôn giáo

Phép màu hồi sinh “rốn lũ” Mù Cang Chải

Thanh Ngà 30/08/2024 05:57

(TN&MT) - Còn đến cả tuần mới đến Tết Độc lập và đón lễ khai giảng mà khắp nơi Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn (Mù Cang Chải) đã thấy rộn ràng không khí Tết. Nếu không tận tai nghe chuyện, chắc không ai nghĩ tròn 1 năm về trước, vùng đất này đã từng có cơn cuồng lũ quét qua.

Mù Cang Chải của ngày 5/8/2023 chẳng ai muốn nhớ, chẳng ai muốn nhắc đến nữa, vì chỉ sau trận lũ ống, lũ quét hỏi thăm ba xã Lao Chải, Khao Mang và Hồ Bốn mà 57 nhà bị sập trôi hoàn toàn, 128 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 65 nhà phải di dời khẩn cấp; 2 trường học và 1 trạm y tế bị hư hỏng nặng; quốc lộ 32 bị đứt gãy cùng hàng trăm cây số đường liên thôn, liên bản bị sạt lở nghiêm trọng, nơi đây bỗng chốc bị cô lập giữa ba bề bốn bên là lũ và bùn đất, núi sạt lở… “Buồn lắm, lũ còn xui 2 đứa con của Dí đi theo con ma lũ không về với Dí nữa” - chị Vàng Thị Dí ở xã Khao Mang buồn rầu nói thế.

Nhưng rồi Dí gạt nước mắt bởi anh Sinh chồng Dí quay sang kể chuyện cái nhà cho Dí khuây khỏa. Anh Sinh bảo “lũ về hôm trước thì hôm sau có nhiều cán bộ trên tỉnh trên huyện về. Cán bộ hỏi thăm, rồi cho tiền cho gạo, rồi cán bộ nói sẽ lo nhà cho. Rồi cán bộ về thêm lần nữa, lo xong nhà cho bà con thì cán bộ mới đi. Vẫn buồn vì con lắm nhưng có nhà để ở nên đỡ khổ đi nhiều. Từ bé chưa bao giờ thấy ai làm nhà nhanh như cán bộ”.

khu-tai-dinh-cu-hong-nhi-pa-.jpg
Khu Tái định cư Hồng Nhì Pá

Chuyện cái lũ không ai quên nhưng cũng không ai muốn nhớ, nhưng chuyện cán bộ trên tỉnh trên huyện về giúp dân thì ai cũng nhớ, như sợ nhỡ quên đi là vô ơn với những người đã cứu giúp mình lúc khó khăn.

Còn nhiều cái nhanh ở vùng đất hồi sinh sau lũ mà chúng tôi được nghe kể lại, như chuyện dọn dẹp đống đổ nát rồi dựng lại trường lớp đủ điều kiện đón học sinh vào năm học mới chỉ trong vỏn vẹn hơn 20 ngày ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn (TH và THCS Hồ Bốn) được xếp vào chuyện “vô cùng khó tin” với thầy cô và bà con nơi đây.

Trường TH và THCS Hồ Bốn sau lũ ngổn ngang rác thải và bùn đất, còn tất cả những gì cần thiết thì đều bị lũ phá tan hoang, trong khi năm học mới đang đến gần. Bồi hồi nhớ lại thời khắc 1 năm về trước, thầy giáo Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường TH và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Không còn một cái gì hết. Lúc đó nhà trường lo lắng lắm. Chúng tôi hỏi nhau làm thế nào có thể khắc phục được mọi thứ trong vòng một tháng để đón hơn 640 em học sinh bán trú là người đồng bào dân tộc thiểu số quay lại tựu trường vào đúng ngày khai giảng năm học mới. Thế rồi các cán bộ trên Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh và cán bộ huyện Mù Cang Chải về”.

Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trường mắt nhìn xa xăm, dường như trong ông đang có một thước phim tua chậm, ông nhớ lại chỉ ngay sau khi đoàn cán bộ của tỉnh về chỉ đạo, hàng trăm cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, dân quân tự vệ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nạo vét bùn đất, thau rửa các phòng học, sắp xếp, phân loại lại đồ dùng học tập, gia cố, tu sửa hệ thống đường ống dẫn nước, sửa chữa toàn bộ hệ thống các phòng học và phòng làm việc bị hư hỏng.

bi-thu-tinh-uy-do-duc-duy-tang-qua-cho-hoc-sinh-huyen-mu-cang-chai.png
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy tặng quà cho học sinh huyện Mù Cang Chải

“Đận ấy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy lên với chúng tôi ba lần, hai lần lên động viên nhà trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, kiểm tra chất lượng và tiến độ hoàn thành để sớm ổn định công tác dạy và học, nhất là kịp đón năm học mới; lần thứ ba Bí thư lên đúng vào lễ khai giảng năm học mới. Cho đến bây giờ tôi vẫn xúc động khi nhớ về thời khắc chúng tôi rơi vào khốn khó thì các đồng chí Lãnh đạo tỉnh và Bí thư đã ngay lập tức có mặt bên cạnh chúng tôi. Nhà trường hiện đang chuẩn bị Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025, thong dong rồi chứ không vắt chân lên cổ chạy như năm ngoái. Lúc này càng nghĩ lại tôi càng cảm động và biết ơn” - Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trường kể lại.

Để ổn định cuộc sống, sinh hoạt, lao động, học tập của người dân sau lũ, những ngày tháng 8 năm 2023 là một cuộc chạy đua vượt quá sức tưởng tượng của các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, huyện ủy, UBND huyện Mù Cang Chải, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, và tấm lòng vàng của các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ sức người sức của cho cuộc gầy dựng lại từ đổ nát. Nói không hề quá rằng, trong những ngày ấy, đoàn cán bộ của Tỉnh ủy đã dấn thân vào công cuộc khắc phục thiên tai để sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, học tập cho dân dẫu biết có thể nguy hiểm đang rình rập cận kề.

Bởi theo người dân xã Hồ Bốn kể lại, ngay trong những ngày bão lũ, đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của huyện cùng các ngành chức năng đã vượt suối, băng rừng đến với bà con, đích thân đồng chí Bí thư đã đi tìm đất; huy động nguồn lực; chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện; chỉ đạo huy động lực lượng thi công ngay mặt bằng để đảm bảo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cho người dân vùng lũ… Và như một kỳ tích, chỉ sau khoảng 20 ngày, bà con đã có đất để dựng nhà, ổn định cuộc sống.

Một năm sau mất mát, hôm nay, Hồ Bốn đã bình yên trở lại, trên mảnh đất đổ nát trước đây giờ sức sống đang từng ngày hồi sinh. Những nếp nhà thơm mùi gỗ mới; những thửa ruộng bậc thang xanh tốt, hứa hẹn mùa vàng bội thu; tiếng trâu gõ lục lạc, tiếng lợn đòi ăn, tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác… Những thanh âm đời thường đã sớm trở lại như một phép màu kỳ diệu của cuộc sống.

21b.jpg
Các em học sinh Trường TH và THCS Hồ Bốn phấn khởi đón năm học mới sau 1 tháng xảy ra trận lũ quét

Ngôi nhà mới của gia đình ông Giàng A Chống ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn không chỉ là nơi an cư mà nơi ở mới này còn có nền đất bằng phẳng, gần đường quốc lộ, lại có điện lưới quốc gia, đường sá thuận tiện cho gia đình phát triển kinh tế. Gia đình ông bớt nỗi lo sợ mỗi khi trời mưa to, gió lớn. Có nhà ở ổn định, ông Chống cùng vợ con tập trung làm kinh tế, ông bảo để cải thiện đời sống, nhưng ẩn sâu trong lòng ông Chính là để xứng đáng với những nghĩa tình cán bộ dành cho gia đình mình.

Cũng như ở xã Khao Mang, Hồ Bốn, khu tái định cư thuộc bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải cũng nhanh chóng được hình thành. Hạ tầng hoàn thiện. Con đường bê tông rộng 3 mét vượt dốc, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, mà còn giúp cho những hộ dân vùng rốn lũ trước đây yên tâm định cư, phát triển sản xuất. Từ khi có nhà mới, có đường giao thông thuận lợi, có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đầy đủ, người dân khu tái định cư bản Hồng Nhì Pá đã chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, phát triển ngành nghề truyền thống để nâng cao thu nhập. Sự động viên kịp thời của các cấp ủy, chính quyền như tiếp thêm động lực cho người dân quên đi mất mát, nỗ lực hơn nữa để xây dựng cuộc sống mới.

21c.png

Giờ đây, những ngôi nhà mới vững chãi mọc lên giữa núi đồi đang phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Màu cờ nhuộm thắm bản làng như càng khẳng định niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, để tiếp tục nỗ lực đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

“Trước đây, nếu không có Bác Hồ, không có Đảng thì không có độc lập, tự do; còn bây giờ, nếu không có Đảng, không có chính quyền thì không biết chúng tôi sống chết thế nào những lúc khó khăn. Tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để ổn định cuộc sống cho dân. Hơn thế, những dự án tái định cư không chỉ giúp người dân chúng tôi ổn định đời sống mà còn giúp bà con thay đổi quan niệm truyền đời về việc chọn nơi làm nhà ở, đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất”, anh Thào A Chú - Khu Tái định cư Hồng Nhì Pá cho biết.

21c.jpg
Vùng đất lũ hồi sinh

Một năm qua đi kể từ ngày xảy ra cơn lũ dữ, những nụ cười đã dần trở lại trong mỗi gia đình người Mông vùng rốn lũ Mù Cang Chải. Đau thương mất mát đã lùi lại phía sau. Người dân đang rộn rịp chuẩn bị đón mừng Tết Độc lập 2/9. Giai điệu khèn Mông réo rắt bổng trầm đang vang vọng khắp núi rừng. Âm thanh khỏe khoắn, vui tươi như gửi gắm lời biết ơn của người Mông với Đảng.

Bài liên quan
  • Mù Cang Chải (Yên Bái): Sử dụng hiệu quả nguồn lực giảm nghèo bền vững
    (TN&MT) – Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, chủ yếu là đồng bào dân tộc chiếm 96%, trong những năm qua huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững. Xung quanh nội dung này phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nông Việt Yên – Bí thư huyện uỷ Mù Cang Chải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Sôi nổi Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Sơn La
(TN&MT) – Những ngày này, đường làng, ngõ xóm, từng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu…. Không khí vui tươi, sôi nổi đón Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã lan tỏa đến từng người dân, từng hộ gia đình.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO