Phát triển thị trường đất nông nghiệp: Đừng để doanh nghiệp đơn độc

31/10/2018 10:39

Sáng 30/10, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Ipsard (Bộ NN&PTNT) công bố nghiên cứu về các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp tại Việt Nam. Làm thế nào để tháo gỡ những rào cản hiện hữu, mở đường cho tích tụ đất đai và phát triển nền nông nghiệp mới là vấn đề rất được quan tâm.

Sở hữu đất nông nghiệp chỉ bằng 1/4 Thái Lan

Theo kết quả nghiên cứu của Ipsard, sở hữu đất nông nghiệp bình quân theo đầu người ở nước ta hiện đạt khoảng 0,07ha, chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan (khoảng 0,27ha/người) và bằng 1/3 so với mức trung bình của thế giới (0,2ha/người). Trên 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha. Mỗi nông hộ vẫn sở hữu trung bình 3,1 mảnh đất trồng cây hàng năm.

Ruộng đất manh mún, đất đai phân tán khiến quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất trên bình diện cả nước diễn ra rất chậm, khó thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến nay, cả nước mới có khoảng 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm gần 8% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Nếu tính riêng các DN trực tiếp sản xuất nông lâm sản và thủy sản, số DN giảm xuống chỉ còn trên 1%, tương ứng với khoảng 7.600 DN. Kéo theo đó, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng đạt rất thấp với khoảng 8 - 10% tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành kinh tế; trong đó, đầu tư sản xuất trực tiếp chỉ chiếm 1%.
 

trong hoa ly
 Hoa ly trồng trong nhà màng, nhà lưới tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Trọng Tùng


TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard cho rằng, hiện các DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong cả 3 hình thức thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp. Khi thuê đất trực tiếp của người dân thì chi phí giao dịch cao. Thuê đất của cơ quan quản lý Nhà nước thì thuận lợi hơn về giá, tuy nhiên quỹ đất công hiện rất hạn chế và ngày càng khan hiếm. Trong khi, đối với hình thức mới nhất là Nhà nước thuê của người dân rồi cho DN thuê lại thì hiện vẫn thiếu khung pháp lý làm cơ sở thực hiện.
Gỡ rào cản từ thể chế.

Với 376ha đất nông nghiệp đã tích tụ thành công, tỉnh Hà Nam là một trong số ít địa phương đang có những bước đi hiệu quả trong tích tụ đất đai. Dù vậy, địa phương này vẫn gặp không ít rào cản. Bên cạnh sở hữu đất nông nghiệp nhỏ lẻ, tâm lý “cho thuê là mất đất” còn hiện hữu trong một bộ phận người dân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc còn cho rằng, thủ tục để triển khai một dự án nông nghiệp còn rất phức tạp. Đơn cử như việc đánh giá tác động môi trường hiện vẫn phải trình Bộ TN&MT hay các dự án sử dụng diện tích đất nông nghiệp trên 10ha phải xin ý kiến của Chính phủ. Cùng với rủi ro đầu tư cao, những điều này có thể khiến các DN… nản lòng. 

Dẫn chứng ví dụ cụ thể tại huyện Tân Lạc, có hộ sở hữu tới 130 mảnh đất, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình Phạm Thị Mơ cho rằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất đai đang trở thành đòi hỏi cấp thiết. “Nếu phải làm việc với từng hộ dân thì sẽ rất khó để DN gom được diện tích đất cần thiết triển khai dự án…” - bà Mơ phân tích. Đồng thời đưa ra khuyến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét, trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013.

Để mở đường cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị, các bộ, ngành cần sớm điều chỉnh khung giá đất quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường. Đối với việc tích tụ đất đai, cần xây dựng “cơ chế đồng thuận” nhằm tránh tình trạng một số dự án thu hồi đất chịu phản ứng của một vài trong tổng số hàng trăm hộ dân, nhưng vẫn không thể triển khai. Đặc biệt, ông Tuấn kiến nghị Nhà nước cần thu hồi hoặc đánh thuế nặng những diện tích đất công không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả, nhằm tạo quỹ đất cho thuê, thu hút các DN đầu tư phát triển nông nghiệp.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường đất nông nghiệp: Đừng để doanh nghiệp đơn độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO