Phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở ven biển phía Bắc

10/03/2016 00:00

(TN&MT) – Hoạt động của một số dự án thử nghiệm phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở các tỉnh ven biển phía Bắc nước ta đang cho thấy rào cản về sự gia tăng chi phí sản xuất và thời gian thu hồi vốn. Do vậy, các thực hành nông nghiệp để ứng phó với BĐKH của nông dân cần giải pháp và sự trợ giúp phù hợp.

Còn nhiều rào cản

Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng ở 5 tỉnh ven biển phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, có gần 1 triệu hộ gia đình với gần 4 triệu người ở các tỉnh trên đang sống dựa chủ yếu vào các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt thủy sản.

Thực tế, hầu hết các lao động nông nghiệp sử dụng các chất kích thích, phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất để nâng cao sản lượng và năng suất lao động. Việc làm này gây tác hại nghiêm trọng đến sức sản xuất của đất, ô nhiễm nguồn nước và làm tăng phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, BĐKH đang và sẽ tiếp tục là một thách thức to lớn đối với nông dân 5 tỉnh ven biển phía Bắc. Theo ước tính trong những kịch bản về BĐKH, diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ngập do nước biển dâng ở vùng ven biển phía Bắc trong khoảng từ 100.000 đến 200.000 ha vào năm 2100. Điều này có nghĩa là hàng năm có hàng nghìn ha đất canh tác nông nghiệp bị nước mặn xâm nhập.

BĐKH là một trong những ngây nhân gây hạn hán đất nông nghiệp ở nhiều nơi
BĐKH là một trong những ngây nhân gây hạn hán đất nông nghiệp ở nhiều nơi

BĐKH còn có thể làm thay đổi vụ mùa, gia tăng sâu bệnh hại, giảm năng suất và sản lượng lúa. Trong khi đó, nước biển dâng và nhiệt độ tăng sẽ làm thay đổi môi trường và điều kiện sống của động, thực vật, gây bất lợi cho hoạt động chăn nuôi, nhất là nuôi trồng thủy sản. Cuộc sống của số lượng lớn các hộ gia đình đang sống dựa vào các hoạt động nông – lâm – ngư nghiệp của 5 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những tác động tiêu cực đến cuộc sống từ BĐKH có thể làm gia tăng mâu thuẫn trong sử dụng đất đai và tài nguyên, mất an ninh lương thực…Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng nâng cao năng lực ứng phó nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do BĐKH gây ra, tham gia giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sự phát triển bền vững trồng trọt và chăn nuôi.

Một số dự án thử nghiệm về phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở miền Bắc nước ta được áp dụng như sử dụng phân nén cho lúa, làm đất tổi thiểu và thực hiện che phủ đất, trồng xen với cây họ đậu, trồng cỏ làm thức ăn gia súc và chống xói mòn…có thể giúp nông dân giảm sử phân hóa học; các giải pháp quản lý nước tưới, điều tiết nước ruộng lúa có thể làm giảm lượng phát thải khí nhà kính; xây dựng các bể biogas xử lý phế thải chăn nuôi để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn và sự phát thải gián tiếp…

Vận động người dân trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh www.csrd.vn.
Vận động người dân trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh www.csrd.vn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động của các dự án thử nghiệm cũng cho thấy rào cản khi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Chẳng hạn như, khi nông dân đầu tư thực hiện kỹ thuật canh tác mới, sẽ có sự gia tăng chi phí sản xuất và thời gian thu hồi vốn. Do đó, thực hành kỹ thuật canh tác mới có thể làm tăng năng suất, chất lượng và thu nhập, nhưng bản thân nó lại không thể giúp nông dân thoát nghèo. Và cần phương án và sự trợ giúp phù hợp để phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH.

Sản xuất nông nghiệp bền vững

Trước những rào cản còn tồn tại, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một đề xuất dự án “Phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam” nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và phát thải thấp; góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở 5 tỉnh ven biển phía Bắc.

Dự án sẽ hướng tới việc tăng cường chính sách, thể chế phục vụ cho mở rộng ứng dụng thực hành nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và phát thải thấp. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các mô hình canh tác lúa thông minh với BĐKH; hỗ trợ phát triển chăn nuôi chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.

Để đạt được mục tiêu dự án, trước hết cần nâng cao năng lực hoạch định chính sách và phát triển thể chế đáp ứng các yêu cầu của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cho nông dân. Cùng với đó, thúc đẩy áp dụng các mô hình canh tác lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao, phát thải thấp; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp trong thực hiện cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác công tư trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tuyết Chinh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở ven biển phía Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO