Phát triển nền sản xuất xanh để ứng phó với BĐKH

07/11/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 7/11, tại Sóc Trăng đã diễn ra Hội thảo “Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững”

(TN&MT) - Trong khuôn khổ MDEC – Sóc Trăng 2014, ngày 7/11/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp chủ trì tổ chức Hội thảo “Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững”, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương khu vực ĐBSCL và các nhà khoa học trong và ngoài nước…
   
   
Quang cảnh hội thảo
   
  Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu thì, tăng trưởng xanh, phát triển nền sản xuất xanh bền vững đang là một xu thế tất yếu của loài người để ứng phó với những nguy cơ lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ô nhiễm môi trường sống; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... Hiện nay, trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện những nỗ lực nhằm đồng thời vừa giải quyết các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong xu thế chung toàn cầu đó, việc lựa chọn và thực hiện tăng trưởng xanh rõ ràng không còn là một xu hướng, mà trở thành một lựa chọn tất yếu của Việt Nam. Có nghĩa là, chúng ta không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, mà chúng ta quyết định làm đúng ngay từ đầu để các thế hệ sau này không phải sửa sai và tốn kém các chi phí điều chỉnh…
   
  PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ TN&MT, nhấn mạnh:  “Để thực sự trở thành nền kinh tế xanh, động lực thúc đẩy là tăng trưởng xanh, trong đó tiêu dùng xanh có vai trò hết sức quan trọng, vì những đầu vào chủ yếu của khu vực sản xuất được lấy từ môi trường tự nhiên là các vật chất dưới dạng nguyên, nhiên liệu thô của thiên nhiên như khoáng sản, gỗ, khí... và nên bắt đầu từ lĩnh vực nông nghiệp và du lịch sinh thái…”.
   
  Tuy nhiên, để làm được điều này, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân đối với tiêu dùng xanh và sản phẩm xanh thân thiện môi trường; đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập thị trường cho tiêu dùng xanh lấy thị trường làm động lực thúc đẩy sản phẩm xanh để lôi kéo và thu hút sản xuất xanh đối với các doanh nghiệp; đổi mới công nghệ và phát triển những ngành nghề lĩnh vực mới hướng đến tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh phải xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của chúng ta...
   
  Cùng quan điểm, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì việc cần phải thực hiện là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh...
   
  Còn ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách Công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh mà hiểu đơn giản là làm sao sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là các nguồn tài nguyên không thể tái tạo một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất…
   
Tin & ảnh: Lê Hùng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nền sản xuất xanh để ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO