Phát triển năng lượng tái tạo - Cần có cơ chế kịp thời

04/10/2016 00:00

(TN&MT) - Khi những nguồn năng lượng không thể tái tạo ngày càng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch trở...

(TN&MT) - Khi những nguồn năng lượng không thể tái tạo ngày càng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch trở thành lựa chọn tối ưu. Tuy vậy, để có thể phát triển ngành năng lượng tái tạo, Chính phủ phải có cơ chế kịp thời, phù hợp và mang tính chất hỗ trợ giai đoạn đầu. Đây là những đề xuất của nhà khoa học, doanh nghiệp tại Hội thảo cơ chế phát triển điện năng lượng Mặt trời, vừa diễn ra tại cả Hà Nội là TP. HCM.
 
Cơ hội lớn nhưng chưa hấp dẫn đầu tư
 
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh) cho thấy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải xây dựng điện năng lượng mặt trời với công suất hơn 200 MW, từ năm 2020 - 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600 MW mới đạt kế hoạch đề ra. Đây là thách thức nhưng cũng là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực điện năng lượng Mặt trời. Hiện nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện năng lượng mặt trời với công suất từ 20 MW đến trên 300 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.
 
Đã có 3 dự án nhà máy điện năng lượng Mặt trời đang được triển khai xây dựng. Một số nhà đầu tư nước ngoài như: Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ cũng đã đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện năng lượng mặt trời tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang… Không chỉ các nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư trong nước cũng đang bắt đầu nghiên cứu đầu tư vào thị trường năng lượng sạch nhiều hơn…
 
Chính phủ phải có cơ chế kịp thời, phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: MH
Chính phủ phải có cơ chế kịp thời, phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: MH
 
Tuy vậy, đến nay, việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng Mặt trời vẫn chỉ mới bắt đầu. Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện năng lượng mặt trời là đến nay biểu giá điện hiện hành vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời do suất đầu tư còn cao và Chính phủ cũng chưa ban hành giá bán điện năng lượng Mặt trời. Nói về vấn đề này, ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ đánh giá: Thị trường điện năng lượng Mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn. “Tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong những năm tới là rất lớn. Nhưng vấn đề là chúng ta chuẩn bị đến đâu. Ngoài đáp ứng về nguồn nhân lực phục vụ cho ngành điện năng lượng mặt trời, Nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện năng lượng mặt trời đầy đủ hơn, ví dụ như: tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, Chính phủ sớm ban hành giá mua điện lên lưới từ nguồn năng lượng Mặt trời”, ông Cánh nói.
 
Cùng quan điểm trên, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, hiện nay đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này chưa nhiều, cả trong nghiên cứu, ứng dụng hay thương mại. Mặc dù về năng lực, nhận thức và sự nhạy bén của doanh nghiệp đã sẵn sàng, song do còn nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách và quá trình thực thi nên các doanh nghiệp tiên phong đang gặp khó khăn vì không có hoặc chưa thể mở được “thị trường đầu ra” cho sản phẩm, dịch vụ.
 
Giá bao nhiêu phù hợp?
 
Bà Trần Lê Thu Thảo, Chủ tịch của Dona Group cho biết: “Giá bán điện trong dự thảo chính sách điện mặt trời được Chính phủ đưa ra là 11.2 cent Mỹ/KWh cần phải xem xét lại bởi qua quá trình nghiên cứu của công ty, nếu đầu tư vào điện mặt trời, tận 16 năm sau mới có thể có lãi. Công ty không thể làm điện mặt trời với mức giá này vì 16 năm doanh nghiệp mới có lãi là quá lâu”. Bà Thảo kiến nghị nâng mức bán điện lên 15 cent/KWh. Trong khi đó, một số đại diện doanh nghiệp khác, điển hình như công ty Mặt trời đỏ cho rằng, với mức giá này họ có thể làm được điện mặt trời và có lãi trong vòng 10 năm.
 
Đối với vấn đề điện mặt trời mái nhà dùng trong hộ gia đình, đại diện của công ty Vũ Phong cho biết: "Hiện nay, dù chưa có chính sách cụ thể của Chính phủ về điện mặt trời nhưng nhiều nhà dân đã tự lắp đặt hệ thống này. Đó có thể là vì người dân thấy được lợi ích thiết thực của nó, đồng thời, họ cũng rất có ý thức trách nhiệm với môi trường. Tuy vậy, để mô hình này được nhân rộng Nhà nước nên mua điện của các hộ gia đình với giá cao nhằm khuyến khích họ đầu tư vào mô hình này". Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Năng lượng xanh kiến nghị nên lắp đặt hai đồng hồ đo đối với các hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện lưới mặt trời.
 
Bàn đến bao giờ?
 
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, Nhà nước nên nhanh chóng đưa ra các cơ chế, chính sách điện mặt trời để doanh nghiệp dễ dàng xúc tiến công việc. Vì việc thiếu một cơ chế rõ ràng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư còn e dè trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Nên thí điểm dự án để xem doanh nghiệp có làm được hay không? Vấn đề này đã bàn 2 - 3 năm nay, các doanh nghiệp phải chờ đến bao giờ? 
 
TS. Nguyễn Huy Hoạch, đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần quy định giá mua bán điện năng lượng Mặt trời một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích 3 bên: Chủ đầu tư (bên bán điện) – EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ. Giá mua bán này nên điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào điện năng lượng Mặt trời giảm nhờ giá mô đun pin mặt trời…
 
Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung các quy định, cơ chế nhằm khuyến khích hơn nữa việc sản xuất các thiết bị điện năng lượng Mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án điện năng lượng Mặt trời để từng bước giảm giá bán điện của dự án điện năng lượng Mặt trời.
 
Các chuyên gia cho rằng, khi cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển được ban hành, chắc chắn sẽ khuyến khích và giúp các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng Mặt trời, đảm bảo phát triển “năng lượng xanh” thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch.
 
Phan Phương
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển năng lượng tái tạo - Cần có cơ chế kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO