Phát triển môi trường du lịch bền vững ở Thủ đô

16/05/2017 00:00

(TN&MT) – Hiện nay, TP.Hà Nội đang triển khai chuỗi giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và thu hút khách du lịch hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở Thủ đô.

Thời gian qua, tận dụng lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú với 5.922 di tích; 1.175 lễ hội; 1.350 làng nghề và làng có nghề; nhiều di lích và lễ hội đã được Unesco công nhận như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám…Hà Nội đã dần khẳng định vai trò là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc.

Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hà Nội luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá, chiếm 1/3 lượng khách du lịch của cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Hà Nội đã đón được 4,02 triệu lượt khách quốc tế và 17,8 triệu lượt khách nội địa; trong 4 tháng đầu năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội tăng cao, tỷ trọng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội chiếm 41% so với cả nước.

Hoàng Thành Thăng Long là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế ở Thủ đô
Hoàng Thành Thăng Long là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế ở Thủ đô

Những con số đạt được cho thấy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, du lịch Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều bất cập nan giải như tình trạng kẹt xe, khói bụi, thiếu bãi đỗ xe (nhất là điểm dừng đỗ xe đưa đón khách du lịch). Sản phẩm du lịch chủ yếu chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác bền vững các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Hà Nội; đặc biệt là du lịch văn hóa – di sản; làng nghề - phố nghề - làng cổ; du lịch ẩm thực truyền thống…

Trong khi, chất lượng hướng dẫn viên, hướng dẫn du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến còn hạn chế, việc xả rác bừa bãi vẫn còn xuất liện, vấn đề xâm hại cảnh quan môi trường di tích, cảnh quan trong các khu du lịch vẫn diễn ra; nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách…

Trước tình hình đó, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, để du lịch Hà Nội phát triển bền vững, những vấn đề về môi trường cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc, đầy đủ nhất. Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển du lịch xanh, du lịch thông minh; bảo tồn và phát huy các giá trị hình ảnh về kiến trúc đô thị, danh lam thắng cảnh với hy vọng tạo ra môi trường du lịch an toàn, thoải mái hơn cho du khách và người dân Thủ đô.

Hoạt động tổ chức ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường góp phần xây dựng Hà Nội là điểm đến
Hoạt động tổ chức ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường góp phần xây dựng Hà Nội là điểm đến "Chất lượng - Hấp dẫn"

Hiện Thành phố đang triển khai chuỗi giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và thu hút khách du lịch như: chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố trong 5 năm tới; cơ giới hóa việc thu gom và vận chuyển rác thải; nâng cao chất lượng nguồn nước, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng 1000 nhà vệ sinh công cộng;

Đồng thời, tổ chức ra quân đảm bảo trật tự giao thông đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; quy hoạch hệ thống biển hiệu quảng cáo. Gần đây nhất, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố năm 2017.

Thành phố cũng không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để du lịch Hà Nội thực sự phát triển đột phá. Từ nay đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác và sử dụng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia; Công viên vui chơi giải trí quốc tế Kim Quy, xây dựng các công viên giải trí chuyên đề; triển khai dự án làm sạch nước hồ Tây và xây dựng cột nước cao 160m tạo điểm nhấn thu hút du lịch…

Hà Nội đang nghiên cứu đề án 100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách
Hà Nội đang nghiên cứu đề án 100 tuyến phố du lịch xanh - sạch - đẹp và phong cách

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề án 100 tuyến phố du lịch xanh – sạch – đẹp và phong cách hướng đến mục tiêu phủ ba tầng cây xanh với 4 mùa hoa, đảm bảo môi trường bóng mát; trang hoàng bằng ánh sáng trang trí, đèn đường; nghệ thuật hóa các vỉa hè hai bên phố bằng các sản phẩm từ gốm, sứ, truyện tranh phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch. Dự kiến đề án sẽ thực hiện trong hai năm 2017 và 2018.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp toàn diện như vậy, Hà Nội trong tương lai mới giữ được màu xanh thực sự với những điểm nhấn thể hiện chiều sâu văn hóa, lịch sử và ký ức đô thị; bắt kịp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập với sự phát triển chung của thế giới.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển môi trường du lịch bền vững ở Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO