Phát triển môi trường bền vững: Cần thay đổi nhận thức BVMT của doanh nghiệp

10/06/2016 00:00

(TN&MT) - Trên thế giới nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất coi việc bảo vệ môi trường là chiến lược trọng tâm quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, nhận thức về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn mang nặng tính đối phó, thời vụ; hoạt động BVMT chưa được tiến hành thường xuyên.

Ý thức bảo vệ môi trường chưa cao

Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc xả thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường gây hoang mang trong xã hội. Mới đây nhất là hành vi xả thải ra môi trường của các công ty khiến cá chết trắng trên sông Bưởi, sông Đồng Nai, Sông Trà Khúc, sông Bạng… Điều này làm giấy lên mức độ nghiêm trọng của môi trường do hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và đặt ra trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đầu tư cho công tác BVMT ở một số DN không được quan tâm đúng mức, thậm chí có DN đầu tư hệ thống xử lý rác và nước thải hiện đại nhưng hầu như không hoạt động mà tất cả rác, nước thải lại được xả thẳng ra môi trường. Hiện chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp Việt Nam, thường là các tập đoàn, công ty lớn thực sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cốt lõi chiến lược và chương trình hoạt động. Còn lại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - SME (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) vẫn chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường.

Nhận thức về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn mang nặng tính đối phó
Nhận thức về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn mang nặng tính đối phó

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do các doanh nghiệp vì  mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận nên đã thẳng tay cắt bỏ những chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường… Bên cạch đó, mặc dù có tới hơn 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng những văn bản này vẫn còn nhiều lỗ hổng nên các doanh nghiệp cố tình  lách luật.

Nhiều hoạt động nhằm thay đổi nhận thức

Để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường vào các khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều dự án đã được triển khai như Dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam” do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VP PTBV) thuộc VCCI thực hiện. Chỉ tính riêng dự án này đã tổ chức 23 khóa tập huấn về sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho hơn 1.600 cán bộ quản lý, điều hành đến từ 1.511 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 Ngoài ra, VCCI  đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)  nhằm thúc đẩy thể chế hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp lập Báo cáo Bền vững (BCBV). Đây là loại hình báo cáo rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Điểm ưu việt của BCBV là ở chỗ, nó trình bày đầy đủ thông tin về tất cả hoạt động cũng như tác động đáng kể của một doanh nghiệp về các mặt quản trị, kinh tế, xã hội và môi trường. Dễ nhận thấy rằng, doanh nghiệp lập BCBV sẽ bắt buộc phải hành động có trách nhiệm hơn đối với môi trường nếu không muốn phải đối mặt với các rủi ro về pháp lý và khả năng cạnh tranh.

Thêm vào đó, VBCSD cũng đang xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững với mục tiêu mang đến cho doanh nghiệp một công cụ giúp họ tự đo lường và đánh giá hiệu quả phát triển bền vững dựa trên 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường.

Cần lắm những chính sách ưu đãi

Theo các chuyên gia về môi trường, muốn các doanh nghiệp thay đổi nhận thức, xem việc bảo vệ môi trường là chiến lược trọng tâm; chấp hành nghiêm pháp luật bảo vệ môi trường ngoài việc tăng chế tài cử phạt thì phải rà soát “trám lỗ hổng” trong các văn bản luật. Bên cạnh đó, tăng cường chính sách cụ thể khuyến khích dòng tài chính doanh nghiệp chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống đang ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Xây dựng và triển khai chính sách liên quan đến giá của các sản phẩm, dịch vụ có tính chất bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (như năng lượng tái tạo…) đảm bảo cho doanh nghiệp tính toán được chi phí, lợi nhuận trong chiến lược và kế hoạch quản lý kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ này.

Theo TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI để thúc đẩy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng các thỏa thuận đối tác kinh tế phản ánh lợi ích hài hòa giữa Doanh nghiệp và Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ như công tác xử lý môi trường sẽ liên quan nhiều đến công nghệ và kỹ năng, tay nghề cao đòi hỏi phát triển đào tạo cho người lao động để làm việc cho doanh nghiệp. Trong quá trình đó, Chính phủ chắn chắn phải có chính sách đào tạo kỹ năng mới cho người lao động và về phía doanh nghiệp cũng cần lao động tay nghề cao. Ở lĩnh vực này sẽ có nhiều không gian giành cho sự hợp tác đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp.

Chi Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển môi trường bền vững: Cần thay đổi nhận thức BVMT của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO