Phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu

Phương Anh - Khải Minh | 27/01/2021 15:38

(TN&MT) - Đăng đàn tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 27/1, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển và giành nhiều nguồn lực cho mục tiêu này.

Hình thành nền tảng quan trọng kinh tế tri thức

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành những nền tảng của kinh tế tri thức, bao gồm đội ngũ trí thức đông đảo, đô thị thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn về công nghệ, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng mạng 5G.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận

Với việc thành phố đã thành lập và phát triển chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại khu công nghệ cao, Viện Khoa học và công nghệ tính toán. Riêng Khu công nghệ cao, đến nay, đã thu hút 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7,65 tỷ USD, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 đạt hơn 20 tỷ USD…

Nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của TP. Hồ Chí Minh tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.

TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ban hành chương trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh với 4 trụ cột: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo phát triển kinh tế - xã hội và Trung tâm an ninh, an toàn thông tin thành phố.

Đáng chú ý, thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, dự kiến TP. Thủ Đức sẽ đóng góp 30% - 35% GRDP của TP. Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Theo ông Phong, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng giúp thành phố hình thành tổ chức bộ máy đủ mạnh để có thể hiện thực hóa mục tiêu trên.

Đề xuất bảy giải pháp trọng tâm

Theo ông Nguyễn Thành Phong, ở Việt Nam, quan điểm phát triển kinh tế tri thức đã được đề cập, bàn bạc từ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý… và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau từ những năm đầu thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và nhiều văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vị trí, vai trò kinh tế tri thức trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, rất coi trọng vận dụng các yếu tố của kinh tế tri thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

TP. Hồ Chí MInh luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển và giành nhiều nguồn lực cho mục tiêu này.

Trên tinh thần đó, trước Đại hội, ông Phong đã đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới. Cụ thể đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức; phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài; tăng cường năng lực khoa học - công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học - công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền khoa học - công nghệ tiến tiến của Việt Nam.

Đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đây là tình huống xuất hiện các ngành, lĩnh vực mới liên quan đến chuyển đổi số, đó vừa là cơ hội, vừa là áp lực để nước ta phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.

Ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đề xuất Chính phủ cần lựa chọn và có chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và đủ năng lực, quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới.

Không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Cần có cơ chế đặc thù để các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO