Phát triển kinh tế rừng – góp phần vào công cuộc xóa đói – giảm nghèo

Thúy Nhi| 24/03/2023 17:03

Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung quản lý hiệu quả diện tích đất đồi rừng. Đồng thời, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển trồng rừng gỗ lớn… Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói – giảm nghèo.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2019, Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên đạt gần 10,3 triệu ha, rừng trồng đạt 4,3 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%). Rừng tự nhiên trong 10 năm từ 2009 - 2019 không có biến động giảm nhiều, điều này chứng tỏ công tác bảo vệ rừng tự nhiên đã đạt kết quả tích cực thay vì chỉ quan tâm tới trồng rừng.

Rừng trồng mới không thể thay thế được rừng già, rừng nguyên sinh, bởi khi bị phá đi, lớp thực bì dày từ 50cm-1m cũng không còn, khi có mưa lũ sẽ gây ra tình trạng xói lở, lũ ống lũ quét. Chất lượng rừng ngày càng giảm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiên tai, lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của con người.

thay-ro-duoc-loi-ich-cua-kinh-te-rung-nhieu-ho-dan-o-tuyen-quang-da-tich-cuc-phat-trien-rung.-anh-tq-.jpg
Thấy rõ được lợi ích của kinh tế rừng, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã tích cực phát triển rừng. (Ảnh TQ)

Theo thống kê nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm diện tích rừng từ năm 2005-2017 gồm: khai thác quá mức (50%), chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp (20%), du mục - đói nghèo (20%), cháy rừng, thiên tai và hiểm họa (10%).

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, cho phép người dân, doanh nghiệp khai thác kinh tế nhằm mục tiêu bảo vệ rừng hiệu quả và phát triển rừng bền vững đối với một số loại rừng. Như Nghị định số 119/2016/NĐ-CP; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg…

Trong đó, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, vừa tạo điều kiện và động lực để người dân ổn định sinh kế, gắn bó và phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững. Cụ thể: Các chủ rừng được phép sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%.

Ở nhiều địa phương, chính sách này đã dần được triển khai đi vào cuộc sống, giúp người dân cải thiện đời sống nhờ trồng keo, trồng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, phổ biến nhất là khai thác du lịch sinh thái dưới tán rừng. Điều này giúp các chủ rừng chủ động được vòng quay tài chính trong ngắn hạn để tái đầu tư cho trồng rừng, từ đó, nâng cao hiệu quả trồng rừng.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp, trọng tâm là phát triển kinh tế rừng, thực hiện chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả việc luân chuyển giữa trồng, khai thác và chế biến rừng trồng. Trung bình hàng năm tỉnh trồng trên 10.000 ha (thuộc tốp đầu các tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước); sản lượng khai thác trên 1 triệu m3 gỗ rừng trồng/năm (đứng đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng).

Tuyên Quang cũng là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế, đạt trên 43.800 ha. Tỉnh đã bước đầu hình thành trung tâm chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, đảm bảo an sinh, an toàn, môi trường sinh thái của địa phương. GRDP ngành lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt trên 1.750 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm, đời sống của người dân trồng rừng không ngừng được nâng lên, lâm nghiệp của tỉnh đã trở thành một ngành kinh tế hiệu lực, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, bền vững.

Còn tại tỉnh Phú Thọ, diện tích rừng là 140.648,8 ha (chiếm 39,8 % so với tổng diện tích tự nhiên), trong đó: Rừng đặc dụng 15.339,5 ha (chiếm 10,9% rừng); rừng phòng hộ 29.499,1 ha (chiếm 21%); và rừng sản xuất 95.810,2 ha (chiếm 68,1%). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,8%. Tỉnh xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương do đó trong những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn.

luc-luong-kiem-lam-tuyen-truyen-van-dong-ba-con-nhan-dan-xa-cu-thang-huyen-thanh-son-chuyen-hoa-rung-trong-go-lon-cho-gia-tri-kinh-te-cao..jpg
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động bà con nhân dân xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ rừng trồng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao. (Ảnh PT)

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong đó trồng mới 15.350 ha, chuyển hóa 4.650 ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm.

Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Phú Thọ vừa ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Với chính sách mới này, tất cả hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ lần 1 khi rừng đạt từ 6 năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ lớn, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha; hỗ trợ lần 2 sau 3 năm thực hiện hỗ trợ lần 1, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 1 lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững; mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ha… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây quế. Đồng thời, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gắn phát triển kinh tế đồi rừng với du lịch sinh thái để vừa thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất, quản lý, bảo vệ với phát triển rừng bền vững, góp phần ổn định cuộc sống, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế rừng – góp phần vào công cuộc xóa đói – giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO