Dành nguồn lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc
Nằm ở vùng Đông Bắc, Quảng Ninh hiện có 56 xã vùng đồng bào DTTS với 22 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, song lại cư trú trên 85% diện tích của tỉnh. Do đó, chăm lo cho đồng bào DTTS trên địa bàn luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ then chốt nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia.
Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong 5 năm (2016-2021), tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo...Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 0,14%.
Điển hình như Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh (QP - AN) ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo... Nhằm đưa Nghị quyết 06 đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa sâu rộng, tác động trực tiếp tới đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã dành 4.200 tỷ đồng ngân sách nhà nước các cấp để thực hiện chương trình với hơn 162.000 đối tượng được thụ hưởng.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, Hoàng Ngọc Ngò cho biết, được Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển du lịch, huyện đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho bà con, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của vùng đồng bào DTTS.
Ông Đặng Đức Khoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu chia sẻ, với chính sách giao đất giao rừng trước đây đã tạo việc làm và thu nhập cho bà con, nay với chính sách và nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia, của tỉnh đã giúp cho đồng bào mạnh dạn làm du lịch cộng động cho thu nhập bền vững vừa giúp nâng cao đời sống vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của của đồng bào DTTS ở địa phương.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho thấy, hiện nay trên toàn tỉnh có 88 xã ĐBKK và 108 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I, II thuộc phạm vi thực hiện Quyết định số 1719 của Thủ tướng. Tổng kinh phí trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 618,1 tỷ đồng.
Tình hình sản xuất và đời sống vùng DTTS&MN của tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua có bước phát triển ổn định. Ngay từ đầu năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố triển khai lồng ghép các chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực để phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển đối với vùng đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần phát triển toàn diện KT-XH, giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng, tạo động lực phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn toàn tỉnh.
Gắn phát triển kinh tế với gìn giữ bản sắc dân tộc
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia đó là phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS.
Trong đó, dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" là dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 -2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021 -2025.
Dự án nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS&MN để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số ít người.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Ngọc Thái Hoàng cho biết, mục tiêu của Quảng Ninh là gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương, không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội, bằng hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS như: Bảo tồn trang phục truyền thống của tộc người Sán Dìu ở xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; bảo tồn trang phục truyền thống của tộc người Tày ở huyện Bình Liêu; bảo tồn trang phục truyền thống, bảo tồn nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, nghề làm giấy dó của người Dao Thanh Y.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng hồ sơ khoa học Lễ hội chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn năm 2022; Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ số phát triển nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đã đề ra, tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học duy trì mức trên 99,9%; tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ 99,3%; 3/200 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (1,50%); 197/200 đơn vị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (98,50%)...
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết trong phát triển kinh tế du lịch, trong giáo dục truyền thống, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các dự án, chính sách đều cần hướng tới mục tiêu tạo ra việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng xuyên suốt góp phần phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong những năm tiếp theo.