Phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam

Tống Minh| 07/11/2019 15:55

(TN&MT) - Phát triển kinh tế chất thải là nội dung ưu tiên trong công tác quản lý tổng hợp chất thải, phù hợp với xu hướng quản lý chất thải ở các nước trên thế giới, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị kinh tế từ chất thải.

Đây là quan điểm được các chuyên gia xác định tại Hội thảo Góp ý dự thảo Đề án phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam, do Viện Khoa học Môi trường (Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT) tổ chức ngày 7/11.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, với đề án này, Việt Nam định hướng sẽ phát triển ngành kinh tế chất thải. Kinh nghiệm từ quốc tế, nhiều nước đã thành công với ngành công nghiệp tái chế, còn ở Việt Nam, đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cần khai phá.

Cơ sở để phát triển ngành kinh tế chất thải, theo Phó Tổng cục trưởng, chính là lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn. Thống kê mới nhất của Tổng cục Môi trường cho thấy, khối lượng chất thải sinh hoạt khoảng 23 triệu tấn/năm; chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất…khoáng 20 triệu tấn/năm, ngoài ra còn chất thải từ hoạt động xây dựng, phụ phẩm nông nghiệp thải bỏ từ 60 -80 triệu tấn/năm.

Với quan điểm coi chất thải là tài nguyên, Chính phủ và Bộ TNMT có định hướng kích thích phát triển xử lý, tái chế chất thải đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường. “Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đạt như mong muốn. Lý do là vì quá trình đô thị hóa nhanh gia tăng áp lực về xử lý chất thải, công nghệ chưa đáp ứng được, một bộ phận người dân chưa có ý thức về môi trường”, ông Thức nhận định.

PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường phát biểu

Đề xuất về việc xây dựng kinh tế chất thải ở Việt Nam, Thạc sĩ Hàn Trần Việt – Viện Khoa học Môi trường cho rằng, điều cốt yếu là tạo cơ chế chính sách thuận lợi để hút tư nhân tham gia vào thị trường dịch vụ môi trường, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, sản xuất điện năng từ chất thải và mua bán tín chỉ các-bon.

Đến nay, việc phát triển thị trường dịch vụ môi trường đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đã phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân. “Tại một số địa phương như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đã thí điểm thực hiện việc đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Kết quả là đã thu hút được sự tham gia của các công ty tư nhân, hợp tác xã dịch vụ, bước đầu tạo ra một thị trường cạnh tranh, kích thích sự phát triển của doanh nghiệp dịch vụ môi trường, tạo ra các lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm”, ông Việt cho hay.

Thạc sĩ Hàn Trần Việt trình bày dự thảo Đề án

Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, việc thực hiện kinh tế chất thải mới chỉ dừng lại ở quy mô hạn chế và bước đầu trong giai đoạn thử nghiệm, hiệu quả mang lại chưa lớn, phạm vi thực hiện còn hẹp. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất, để khai thác tiềm năng chất thải ở Việt Nam, cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường.

Đơn cử như việc lồng ghép các nội dung về phát triển dịch vụ môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương. Sửa đổi bổ sung ban hành mức đơn giá hợp lý cho dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Sớm nghiên cứu và ban hành giá dịch vụ về dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp. Ban hành các cơ chế khuyến khích hỗ trơ vay vốn, bảo lãnh tín dụng, ưu đãi về đất đai, thuế, phí…cho các doanh nghiệp khi tham gia cung cấp dịch vụ môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế chất thải ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO