Xã hội

Phát triển diện tích rừng ngập mặn tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển

Thanh Tâm 19/10/2023 - 17:52

Nga Sơn là huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa, những năm trước đây thường xuyên phải chịu những tác động như nước biển xâm thực, xói mòn, bão lũ. Từ khi phát triển diện tích rừng ngập mặn đã tạo thành bức tường xanh bảo vệ hệ thống đê biển và những người dân làng chài, hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu. Việc gia tăng diện tích rừng ngập mặn còn tạo ra sinh kế cho hàng nghìn hộ dân sống ven biển như nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt, đánh bắt thủy hải sản dưới tán rừng...

Để hiểu rõ hơn về kế hoạch và lợi ích từ việc gia tăng diện tích rừng ngập mặn, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Nga Sơn.

PV: Thưa bà, rừng ngập mặn có vai trò như thế nào đối với huyện ven biển Nga Sơn?

Bà Quách Thị Khuyên:

Hàng năm vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố khí hậu, thời tiết cực đoan như: Bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, mưa lũ, sạt lở đất, khô hạn, nắng nóng, rét đậm, rét hại..., gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản; sạt lở đất làm mất đất sản xuất ven sông, ven biển, về sản xuất gây ngập úng, nhiễm mặn làm hư hại lúa, màu và nuôi trồng thủy sản.

Trước những tác động tiêu cực đó, hệ thống rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng đối với các địa phương vùng ven biển của tỉnh Thanh Hóa nói chung, các xã ven biển huyện Nga Sơn nói riêng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Rừng ngập mặn có tác dụng duy trì cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là vai trò phòng hộ của rừng ngập mặn như bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão lụt, nhờ hệ thống rễ chằng chịt của các loài cây rừng ngập mặn đã giữ lại trên bề mặt các trầm tích, góp phần mở rộng thể nền ra phía biển; hấp thụ chất ô nhiễm, kim loại nặng từ các cửa sông đổ ra biển, bảo vệ sinh vật vùng ven bờ, bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân.

a1(2).jpg
Rừng ngập mặn được xem là "bức tường xanh" bảo vệ đê biển và thích ứng với biến đổi khí hậu

Nga Tân và Nga Thủy là hai địa phương có tổng diện tích rừng ngập mặn trên 340 ha và tương đối đa dạng. Nằm vị trí ở cửa Sông Lạch Sung và Lạch Càn là khu vực chuyển tiếp giữa môi trường biển và đất liền, nên hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây có tính đa dạng sinh học cao, là nơi cư trú lý tưởng cho nhiều loài động vật biển; lượng mùn bã trong rừng ngập mặn khá phong phú tạo nguồn thức ăn của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm, cua, cá bớp, sò, ngao, ốc hương..., và cũng là nơi làm tổ, kiếm ăn, nơi trú đông của nhiều loài chim nước, chim di cư, đặc biệt vào mùa hoa Sú, Vẹt... cung cấp nguồn phấn hoa cho phát triển đàn ong mật của các hộ dân địa phương.

Hiện nay, hoạt động kinh tế chính của người dân sống gần các khu vực rừng ngập mặn của hai địa phương, hoạt động chính vẫn là đánh bắt nguồn lợi thủy sản vùng biển, đồng thời nuôi trồng thủy sản vùng ven bờ, cùng với các hoạt động sinh kế dựa vào rừng ngập mặn.

a5.jpg
Nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt chính là sinh kế bền vững từ rừng ngập mặn

Trước thực trạng trên, việc xây dựng “Phương án quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại huyện Nga Sơn” là rất cần thiết, làm cơ sở lý luận, khoa học, trên cơ sở sự tham gia của cộng đồng dân cư nhằm thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; hạn chế sự suy thoái môi trường, sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản bằng việc quản lý tốt và khai thác hợp lý vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển, đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát triển bền vững rừng ngập mặn của địa phương

PV: Xin bà cho biết hiện trạng rừng ngập mặn và thực trạng sinh kế của người dân trên địa bàn huyện Nga Sơn như thế nào ạ?

Bà Quách Thị Khuyên:

Diện tích rừng ngập mặn theo quy hoạch 3 loại rừng, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng và báo cáo thực tế tại Nga Tân và Nga Thủy là: 453,0 ha, trong đó: Diện tích có rừng ngập mặn: 363,6 ha, chiếm 80,21%; Diện tích rừng mới trồng ngập mặn: 60,0 ha, chiếm 13,24%; Diện tích đất ngập nước chưa có rừng: 29,7 ha, chiếm 6,55%. Rừng ngập mặn tại Nga Tân và Nga Thủy có nguồn gốc hình thành chủ yếu là rừng trồng từ những năm 1980 đến nay, thông qua các Chương trình, dự án như: Dự án 327, 661 trồng mới 5 triệu ha rừng; Hội chữ thập đỏ Nhật Bản (JFC Project) năm 1997-2002, Tổ chức Hành động và phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản (ATM Project) năm 1999-2000, dự án CARE năm 2006-2009; Dự án đầu tư phát triển rừng ngập mặn phòng hộ tại các xã ven biển huyện hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (do Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai Miền Trung tài trợ); Dự án GCF ...

Diện tích đất có tiềm năng cho phát triển rừng ngập mặn khoảng 29,7 ha là khu vực tiếp giáp với đai rừng ngập mặn hiện có và khu vực cửa sông thuộc loại đất bãi triều ngập nước mặn ven biển, ngập nước lợ ven sông cho việc phát triển trồng rừng ngập mặn.

Sinh kế trong rừng ngập mặn bao gồm các hình thức như đánh bắt (cua, cá, các loại động vật hai mảnh vỏ...) trong rừng ngập mặn, nuôi ong, nuôi trồng thủy sản và tiềm năng về du lịch sinh thái. Trong các loại sinh kế này thì loại hình nuôi trồng thủy sản có số lượng lớn người dân của các xã tham gia. Đây đồng thời cũng là các sinh kế chính của cộng đồng ven biển, đóng góp phần lớn vào sinh kế của người dân các địa phương này. Ngoài ra các ngành nghề khác chiếm tỉ lệ hộ tham gia nhỏ, tỉ trọng không đáng kể trong tổng thể thu nhập của các xã. Tuy nhiên, các loại hình này lại là sinh kế chính của các hộ nghèo và cận nghèo.

a4.jpg
Người dân đánh bắt thủy sản trong rừng ngập mặn

PV: Thưa bà, trong những năm gần đây có những dự án trồng rừng ngập mặn nào được triển khai và hiệu quả của những dự án đó mang lại?

Bà Quách Thị Khuyên:

Năm 2021 tổ chức GCF đã triển khai phương án quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập, đời sống người dân từ nguồn lợi thủy hải sản gắn với rừng ngập mặn. Với mục tiêu cụ thể là quản lý, bảo vệ tốt 423,6 ha diện tích rừng ngập mặn hiện có. Nâng cao hiệu quả quản lý rừng ngập mặn trên cơ sở các quy định của cộng đồng như: hương ước, quy ước và phù hợp với các quy định của pháp luật. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Bảo vệ môi trường sinh thái ven biển, chắn sóng, chắn gió, bão tố, hấp thụ các bon, cố định phù sa, tạo và ổn định thể nền góp phần lấn biển. Bảo vệ đời sống, kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư ven biển. Tăng nguồn lợi thủy hải sản dưới tán rừng, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

a3(2).jpg
Người dân đánh bắt thủy sản trong rừng ngập mặn

Trong tháng 10, Tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BftW) cũng đang triển khai "Trồng đa tầng tán rừng ngập mặn ven biển tại huyện Nga Sơn năm 2023" thuộc dự án "Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam". Mục tiêu trồng bổ sung, trồng đa tầng tán 30ha rừng ngập mặn tại huyện Nga Sơn nhằm tăng tỷ lệ che phủ, cải thiện chất lượng rừng, nâng cao chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí carbon giảm phát thải khí nhà kính tại khu vực ven biển xã Nga Tân và Nga Thủy.

z4798176473050_26945886e297bab2c0696b764ada47c3.jpg
Tổ chức Bánh mỳ Thế giới triển khai trồng bổ sung rừng đầu tháng 10 vừa qua ở xã Nga Thủy

Việc phát triển diện tích rừng ngập mặn góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát huy vai trò phòng hộ trong việc bảo vệ hệ thống đê biển, đê cửa sông, sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư vùng ven biển. Chất lượng rừng được nâng cao, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống đê biển, đê cửa sông trước những tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời cải thiện môi trường sống, nhất là môi trường nước ven bờ, khu công nghiệp, khu dân cư. Đồng thời tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân sống ven biển, hưởng lợi từ rừng ngập mặn đem lại như: đánh bắt thủy hải sản, nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt. Hàng trăm hộ dân các xã ven biển huyện Nga Sơn đang hưởng lợi từ ngập mặn đem lại.

Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi trên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển diện tích rừng ngập mặn tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO