Phát triển dịch vụ môi trường: Chưa tương xứng giữa lượng và chất

17/04/2015 00:00

(TN&MT) - Những thay đổi của hệ thống luật, nghị định, chính sách về BVMT ngày càng nâng cao yêu cầu tuân thủ an toàn về môi trường trong mỗi doanh nghiệp. Đây là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ môi trường (DVMT).

Cơ hội mở cho doanh nghiệp môi trường

Theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các loại hình chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đều phải được xử lý trước khi thải ra môi trường và cơ sở có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý về môi trường. Tuy vậy, nhận thức về bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn chưa cao, còn khá nhiều đơn vị lúng túng trong cách đổi mới công nghệ giảm phát thải và tìm kiếm đối tác xử lý vấn đề nguồn thải sau sản xuất.

 Chỉ tính riêng năm 2014, toàn ngành TN&MT đã tiến hành 786 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 2.685 tổ chức, cá nhân. Trong đó: Bộ đã tiến hành 24 cuộc thanh tra, kiểm tra; các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 762 cuộc thanh tra, kiểm tra. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 763 tổ chức, cá nhân với số tiền là 74 tỷ 979 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 41,11% số tổ chức, cá nhân được thanh tra có vi phạm về môi trường (tăng 3,29% so với năm 2013), tập trung vào các nhóm hành vi như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt và cam kết Bảo vệ môi trường đã được xác nhận; không có ĐTM hoặc bản cam kết Bảo vệ môi trường; vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; xả chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra ngoài môi trường; thực hiện không đầy đủ chế độ báo cáo; không lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường…

Quan trắc môi trường nước
Quan trắc môi trường nước

Điều này cho thấy, doanh nghiệp dịch vụ môi trường có rất nhiều điều kiện phát triển. Vài năm trở lại đây, đã có sự tham gia ngày càng tăng dần của các doanh nghiệp tư nhân, song hành với các công ty Nhà nước. Với yêu cầu đầu vào đơn giản, chủ yếu là nguồn nhân lực có chuyên môn, mô hình các công ty, trung tâm tư vấn gọn nhẹ đang trở nên thịnh hành. Các dịch vụ chủ yếu bao gồm các hợp đồng đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ. Giá trị của các hợp đồng dao động trong khoảng từ 50 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Số ít đã có những dự án lớn hơn với giá trị lên đến 5 tỷ đồng, thường liên quan đến những công trình nghiên cứu, đánh giá quy mô lớn như thủy điện, đường cao tốc, tàu điện ngầm, khai thác mỏ mới (quy mô vừa và nhỏ) hoặc các dự án vốn ODA...

Thiếu các DVMT toàn diện

Hiện tại trên cả nước có 3.769 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường (DVMT) do địa phương cấp phép, hoạt động tại 46 tỉnh, thành phố và 96 doanh nghiệp do TN&MT cấp phép là các doanh nghiệp hoạt động liên vùng, liên tỉnh chủ yếu trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, có 13 tỉnh, thành phố dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp môi trường, trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 2.283 doanh nghiệp thực hiện DVMT, chiếm 60,57% tổng số doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.

Mặc dù có số lượng khá lớn, tuy nhiên, các doanh nghiệp DVMT phân bố không đồng trên địa bàn toàn quốc, việc cung cấp các loại hình DVMT cũng khác nhau. Trong số đó, chưa có doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ; các doanh nghiệp có khả năng cung cấp từ 2 loại hình dịch vụ trở lên tập trung tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Phần lớn, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các mảng dịch vụ có nhu cầu cao xuất phát từ các yêu cầu trong Luật BVMT như dịch vụ thiết kế, chế tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải; lập, thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Đánh giá môi trường chiên lược; quan trắc và phân tích môi trường; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin môi trường. Mặt khác, khả năng tiếp cận của nhóm cung cấp DVMT đến khách hàng chưa được phát huy. Thói quen lựa chọn đối tác, nhà cung cấp là các cơ quan Nhà nước làm hạn chế khả năng tiếp cận của khối tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập. Các đơn giá dịch vụ chưa rõ ràng, khiến cho mức giá thay đổi bất thường theo hợp đồng. Đây cũng là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp và khách hàng không có được sự thống nhất.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trách nhiệm về môi trường của các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức cơ bản, các hồ sơ hoàn thành để đáp ứng yêu cầu. Một số yêu cầu như giám sát, đánh giá định kỳ chưa được duy trì thường xuyên. Kết quả là thị trường của lĩnh vực này còn hạn chế. Đôi khi, doanh nghiệp chấp nhận bị phạt khi bị kiểm tra thay vì tuân thủ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như hệ thống luật pháp quy định.

Do cơ chế mở, không có nhiều rào cản kỹ thuật nên các doanh nghiệp cũng dễ dàng tham gia cung cấp DVMT dẫn đến chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp không đồng đều, nhiều doanh nghiệp mượn tên các chuyên gia khi đấu thầu nhưng thực tế không huy động. Bản thân khách hàng không có năng lực đánh giá sản phẩm mà hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc các cơ quan phê duyệt. Hệ thống thẩm định, kiểm tra của Nhà nước còn mỏng, không rà soát được chất lượng sản phẩm.

Phương Anh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển dịch vụ môi trường: Chưa tương xứng giữa lượng và chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO