Phát lộ tài nguyên văn hóa Bãi cọc Cao Quỳ, nhận thức mới nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử

Phạm Duy – Xuân Vũ| 22/12/2019 08:39

(TN&MT) - Các nhà khoa học cho rằng, di tích bãi cọc Cao Quỳ vừa được khai quật tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288). Trận địa vừa được khai quật này mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm.

Hình ảnh thực địa bãi cọc tại cánh đồng Cao quỳ.

Được biết, đầu tháng 11 trong quá trình đào đất trồng cau ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Triệu (xã Liên Khê) đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cũng cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn như vậy.

Sau đó, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả khai quật 950m2 với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc (H1 diện tích  khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; H2 diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc). Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5 – 7m, chiều Bắc Nam 3,5 – 5cm; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10 – 18cm, loại lớn 28 – 32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37 – 40cm... Trên các cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo.

Hình ảnh thực địa bãi cọc tại cánh đồng Cao quỳ, bãi cọc có nhiều liên quan đến trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Bước đầu Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc quân Nguyên Mông  đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, bãi cọc có nhiều liên quan đến 3 trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử: năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán; năm 981 Lê Đại Hành đại thắng quân Tống và năm 1288 Trần Hưng Đạo đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Khu vực bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, cùng với khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục và hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Lãnh đạo TP Hải Phòng và các nhà khoa học đã đi khảo sát thực địa tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Vì những lý do trên, tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất sớm công nhận bãi cọc này là di tích quốc gia đặc biệt, có thể là di sản thế giới.

Bởi, việc bãi cọc được khai quật mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời giúp có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng mà TP Hải Phòng đã đề cao trong thời gian qua.

Toàn cảnh bãi cọc phát lộ nhìn từ trên cao.

Trước đây, chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra, với một điểm “neo” là bãi cọc đã được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và tất cả nghiên cứu trước đây đều xoay quanh bãi cọc đó.

Qua việc phát hiện bãi cọc ở Quảng Yên, cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch.

Còn qua việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc đã tìm thấy ở Quảng Yên. Và qua đó chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ.

Vị trí xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, nơi tìm ra bãi cọc.

Về việc phát hiện trên, GS.TSKH Vũ Minh Giang nêu quan điểm “Trận Bạch Đằng năm 1288 được coi như một trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông. Khi phát hiện ra trận địa Cao Quỳ, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử”

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá cao vai trò, sự tham gia của lãnh đạo thành phố: Ngay từ khi phát hiện cọc gỗ, quá trình triển khai có sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của thành phố. Tại hội thảo công bố kết quả ban đầu có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo thành phố; hội thảo tổ chức trang trọng, khoa học. Tôi cho rằng, đây là lý do chính để trong một khoảng thời gian quá ngắn với hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng đã cho kết quả bước đầu. Đây cũng là nền tảng để chúng ta tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng.

Trong khoảng 2 tháng, chứng tích lộ diện, chứa đựng tiềm năng, tài nguyên văn hóa lớn ở khu vực để chúng ta không chủ quan khi nói đến kết luận căn bản đây là dấu tích quan trọng của trận Bạch Đằng. Trước đó, trong dân gian phát hiện nhiều cọc gỗ khác, nhưng hiếm có nơi nào có di chỉ hoàn chỉnh như thế, có thể nhìn tất cả tầng đất, hiện vật trong lòng đất.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, thời gian 2 tháng đòi hỏi chúng ta cách nhìn khác, không nên quá vội vã. Chiến thắng Bạch Đằng là di sản lớn, cần được khai thác bài bản, khoa học. Mong lãnh đạo thành  phố triển khai lâu dài, bền vững; tiếp tục hỗ trợ cơ quan chuyên môn trung ương, địa phương mở rộng khảo sát, nghiên cứu di tích. Đồng thời, sau khai quật, cũng cần nghĩ đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Tại hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật Bãi cọc Cao Quỳ” ngày 21/12/2019 tại Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định việc phát hiện khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là việc làm vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc, và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau. 

Để hoàn thành trách nhiệm đó, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành đề nghị các cấp, các ngành thành phố liên quan cần phối hợp với Viện Khảo cổ học khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Đồng thời xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc. Tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực.

Cần xác định rõ đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài. Làm tốt sẽ góp phần tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội, mà còn là điểm sáng trong phát huy, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc – Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát lộ tài nguyên văn hóa Bãi cọc Cao Quỳ, nhận thức mới nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO