Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác BVMT, xây dựng nông thôn mới: Người góp phần đổi thay bản vùng cao Minh Tiến

Đình Tiệp | 30/11/2021, 10:28

(TN&MT) - Bản Minh Tiến đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Thay đổi từ tư duy người dân đến bộ mặt xóm làng. Có được thành tích đó là nhờ sự đồng lòng của người dân; đặc biệt, phải kể đến “đầu tàu” Lô Xuân Vân - người Trưởng bản được bà con dân bản tin yêu.

Từ chuyện hiến đất làm đường

Minh Tiến là bản “cửa ngõ” của trung tâm huyện nghèo vùng cao Quỳ Châu (Nghệ An). Bản thuộc xã Châu Hạnh của huyện; có 158 hộ dân với gần 700 nhân khẩu; trong đó chiếm hơn 97% là đồng bào người dân tộc Thái sinh sống từ lâu đời.

Theo các bậc cao niên kể lại, bản Minh Tiến xưa kia vốn cơ cực, nghèo đói. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào núi rừng, tập quán canh tác cũ, thói quen lạc hậu, đời sống bấp bênh, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề…

Thanh niên bản Minh Tiến sửa chữa, vệ sinh đường làng

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Minh Tiến dần được đầu tư một số cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh. Thế nhưng, sự đổi thay, phát triển ở bản cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường giao thông thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Lường trước được khó khăn đó, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Ban cán sự bản và Chi ủy đã xin ý kiến cấp trên, triển khai họp và thống nhất lên phương án vận động người dân hiến đất. Với phương châm vận động từ nhà dễ đến nhà khó, bản Minh Tiến đã tổ chức vận động 17 hộ dân hiến đất ở với diện tích lên đến 5.700m2; riêng đất ruộng có 57 hộ hiến tổng diện tích trên 11.000m2.

“Công tác tuyên truyền phải cho người dân hiểu chủ trương của Nhà nước và của xóm bản về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đời sống của chính bà con dân bản. Bằng sự vận động nhiệt tình, mềm dẻo, cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” nên qua một thời gian, 100% người dân đều vui vẻ đồng ý hiến đất làm đường. Đặc biệt như hộ anh Vi Thế Phương dù diện tích đất của gia đình không nhiều nhưng đã tình nguyện hiến tới 120m2 đất ở…” - Trưởng bản Vân kể lại.

Đường giao thông của bản thoáng đãng, sạch sẽ có sự đóng góp công sức rất lớn của bà con

Nhờ công tác hiến đất nhiệt tình của người dân, 1,2km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng của bản đã nhanh chóng được xây dựng hoàn thiện. Trong đó, 700m đường được Nhà nước hỗ trợ về máy múc, xe chở đất đắp đường; riêng việc mua cống thoát nước và ngày công, bản vận động người dân mỗi hộ đóng 40.000 đồng và góp 5 ngày công thực hiện. Đặc biệt, có 500m đường người dân “tự túc” đóng mỗi hộ 470 nghìn đồng và góp thêm ngày công để nhanh chóng hoàn thành từ  năm 2019.

Đến “điểm nhấn” thu gom rác thải trên bức tranh khởi sắc

Hiện, bản chỉ còn 24 hộ thuộc diện hộ nghèo. Nhiều điển hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi như hộ anh Hà Văn Đức chăn nuôi gần 300 con lợn nái khép kín để bán giống cho người dân hay các hộ ông Nguyễn Quang Cường, Quán Vi Sinh… có mô hình vườn - ao - chuồng cho thu nhập cao.

Bản có 14ha lúa nước để canh tác, 42ha diện tích rừng sản xuất để trồng keo. Bản cũng khoanh nuôi, bảo vệ được 600ha rừng tự nhiên, tái sinh, không còn nạn chặt phá rừng như nhiều năm về trước.

Có một điều đặc biệt ở Minh Tiến mà không nhiều bản làng vùng cao làm được, đó là bản đã thành lập được tổ thu gom rác thải với 4 thành viên tham gia, Tổ trưởng được giao cho chị Quang Thị Điệp - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Minh Tiến.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Điệp khoe: Hiện nay người dân rất có ý thức giữ gìn, vệ sinh môi trường. Bản tự họp lại và thống nhất mỗi hộ đóng 20.000 đồng/tháng để có kinh phí cho tổ thu gom rác hoạt động. Hàng tuần, tổ lại tới điểm tập kết, chuyển rác lên xe để chở vào bãi rác thải tập trung của huyện xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp cho bản.

Trưởng bản Lô Xuân Vân đang giới thiệu về dụng cụ giã gạo gắn với nhạc cụ “khắc luống” nổi tiếng của người Thái được lưu giữ để dân bản sử dụng trong các dịp vui chơi lễ, Tết

Những cung đường của bản giờ sạch sẽ, thoáng mát; những hàng hoa được trồng thẳng tắp đua nhau khoe sắc. Hoa do chị em phụ nữ trồng, thùng đựng rác thì được chính quyền trao tặng, đặt dọc hai bên đường để bà con dễ dàng bỏ rác đúng nơi quy định, thuận lợi hơn cho việc thu gom, vận chuyển.

Hiện các hộ dân trong bản đều đã có giếng khoan đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, các hộ dân cũng xây dựng, đầu tư nhà vệ sinh, nhà tắm sạch sẽ để sử dụng; chuồng trại chăn nuôi được di dời khỏi sàn nhà, cách xa nơi ở để tránh ô nhiễm, bệnh tật.

Nói về bản Minh Tiến, ông Vi Thế Long - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh đặt kỳ vọng: “Hiện nay, toàn xã Châu Hạnh có 11 bản nhưng mới chỉ có 1 bản về đích nông thôn mới. Trong kế hoạch năm 2022, chúng tôi đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng đạt mục tiêu này với bản Minh Tiến”.

Nói thêm về đổi thay ở bản Minh Tiến, ông Long cho rằng, có được những thay đổi đó không thể không nhắc tới vai trò “đầu tàu” của trưởng bản Lô Xuân Vân. “Anh Lô Xuân Vân là Trưởng bản nói dân nghe, làm dân theo” - ông Long nhấn mạnh.

“Bà con trong bản rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Riêng Trưởng bản Vân là một cán bộ mẫu mực từ cách nói, cách làm đến cách thể hiện, là trung tâm của đoàn kết bản làng. Giờ anh Vân có muốn nghỉ làm cán bộ chắc dân bản cũng không cho đâu” - Cựu chiến binh Vi Thanh Bình, nguyên Bí thư Chi bộ bản Minh Tiến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Già làng, trưởng bản – Tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động vào cuộc, chung sức đồng lòng của bà con nhân dân. Trong hành trình ấy, già làng, trưởng bản chính là những hạt nhân uy tín, đi đầu, định hướng tuyên truyền để bà con hiểu, cùng nhau thực hiện các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đừng bỏ lỡ
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO