Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác BVMT, xây dựng nông thôn mới: Cầu nối đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS

Ngọc Trâm | 30/11/2021, 10:28

(TN&MT) - Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn giữ vai trò đầu tàu trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, không chỉ gương mẫu thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn là lực lượng nòng cốt trong thực hiện tuyên tuyền, vận động đồng bào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường…góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào vùng DTTS và miền núi

Những tấm gương mẫu mực

Trong buổi tiếp các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch ngày 28/12/2018, Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác". Theo đó, những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực ở vùng DTTS và miền núi đều có đóng góp rất lớn của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan; tác động toàn diện tới kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trước tình hình đó, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã gương mẫu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Cùng với việc đi đầu thực hiện cải tạo đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng và tăng thu nhập, họ đã vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, chuyển dần sang thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa như ngô, thuốc lá, bí xanh thơm… được trên 408,3ha; chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất vùng gò đồi, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh Quảng Bình chuyển đổi hơn 112ha đất lúa hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng khác như lạc, sen, dưa hấu…, một số nơi chuyển đổi sang mô hình kết hợp lúa - cá để thích ứng biến đổi khí hậu…

Người có uy tín vùng đồng bào DTTS là những người tiêu biểu, gương mẫu được người dân tin tưởng và nghe theo

Bên cạnh đó, người có uy tín như những cánh chim đầu đàn vững vàng, kiên cường dẫn dắt cộng đồng triển khai thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, nếp sống xanh - sạch - đẹp; vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái… Thói quen nhốt gia súc dưới sàn nhà của đồng bào vùng DTTS và miền núi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đội ngũ người có uy tín đã tích cực vận động bà con xây dựng chuồng trại xa khu nhà ở, dọn vệ sinh thường xuyên. Điển hình như, đến hết năm 2020, gần 11.000 hộ DTTS ở Cao Bằng đã di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà; huyện Phú Thiện (Gia Lai) có 2.581 hộ;…

Trong xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh, cam kết không vứt rác bừa bãi; không đổ nước thải ra đường, nơi công cộng; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tuyên truyền bà con chấp hành tốt hương ước, quy ước thôn làng, từng bước xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang; định kỳ hàng tháng cùng tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, khơi thông cống rãnh phong quang, sạch đẹp.

Đến nay, việc bảo vệ môi trường sống xung quanh đang dần trở thành thói quen, nếp sống, đồng bào DTTS nhiều địa phương đã có ý thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đấu tranh khắc phục tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS những năm qua không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Đồng bào DTTS và miền núi coi “rừng là Cha, đất là Mẹ”, việc quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển đất và rừng gắn liền với phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái theo quy ước hay hương ước bất thành văn, còn gọi là luật tục. Qua đội ngũ người có uy tín, Đảng và Nhà nước đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, các chính sách, pháp luật về đất đai và rừng đã quan tâm hơn tới việc phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc như Luật Đất đai (2013) Điều 27 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất; công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư cũng được coi trọng… “ý Đảng lòng dân” được gắn kết và kết nối qua đội ngũ người có uy tín vùng DTTS và miền núi.

Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định phê duyệt 4 dự án bảo vệ môi trường thực hiện từ năm 2022 ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các dự án được thực hiện sẽ đánh giá và đề ra các giải pháp, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi bảo vệ môi trường cho đồng bào DTTS… góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS.

 

Phát huy vai trò của lực lượng cầu nối đặc biệt

Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ngày 31/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2561/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng DTTS”. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS”. Đặc biệt, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng có nhiệm vụ “Biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín…”.

Hiện, Ủy ban Dân tộc đang triển khai biên soạn, cập nhật nội dung và xuất bản, phát hành cuốn “Cẩm nang thông tin chính sách, pháp luật về công tác dân tộc dành cho người có uy tín”; tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và tổng hợp Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2011 - 2021.

Trong các buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền, Ban Dân tộc các địa phương về triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đều nhấn mạnh, để thực hiện tốt các chính sách, đề án vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần quan tâm phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín hơn nữa trong việc chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, qua đó xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh, để các chính sách đi vào thực tiễn nhanh nhất, hiệu quả nhất, vì sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Trong nhiệm vụ “Biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín…” thuộc Tiểu dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu đến năm 2025 là “tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín…” và đến năm 2030 “tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Già làng, trưởng bản – Tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động vào cuộc, chung sức đồng lòng của bà con nhân dân. Trong hành trình ấy, già làng, trưởng bản chính là những hạt nhân uy tín, đi đầu, định hướng tuyên truyền để bà con hiểu, cùng nhau thực hiện các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đừng bỏ lỡ
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO