Phát huy vai trò chủ thể của người dân khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia

Ngọc Trâm | 10/11/2021, 14:31

(TN&MT) - Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, góp ý Dự thảo hướng dẫn thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, mục tiêu là xác định những vấn đề cấp thiết, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG.

Hội nghị trực tuyến do Ủy ban Dân tộc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) phối hợp tổ chức, được kết nối 51 điểm cầu với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các cấp Hội Phụ nữ ở cơ sở, Ban Dân tộc 21 tỉnh/thành phố và đại diện một số xã khu vực biên giới. Ngoài ra có sự tham dự của đại diện UNWomen, Care, Đại sứ quán Ai len tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cho biết, đây là Chương trình MTQG đầu tiên mà Hội được tham gia với tư cách là chủ đầu tư một dự án độc lập. Điều này được thể hiện một cách sinh động qua quá trình vận động chính sách, chỉ ra những vấn đề cấp bách của bình đẳng giới, những vấn đề của phụ nữ và trẻ em mà Hội LHPNVN tham gia, vận động từ trước đến nay. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, đồng hành và cụ thể hóa các mục tiêu của Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 giữa Ủy ban Dân tộc và Hội LHPNVN.

"Với vai trò của mình, Hội LHPNVN mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương để cùng nhau triển khai thành công Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG", Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội nghị.

Nhận định việc nhận diện những thách thức đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ở khu vực DTTS và miền núi là yêu cầu cấp thiết, Bà Gaelle Demolis - Quyền Giám đốc UNWomen cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều tác động đến nhóm cộng đồng DTTS, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới. Theo đó, thực hiện hiệu quả Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG là cơ hội để Hội LHPN Việt Nam thể hiện vai trò điều phối, tăng cường phối hợp với các bộ ngành để thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Còn theo bà Lisa Doherty - Trưởng phòng Hợp tác, Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam, việc triển khai Chương trình MTQG sẽ đặt nền móng quan trọng, thể hiện cam kết của Chính phủ với vấn đề bình đẳng giới, đảm bảo thực hiện quyền của phụ nữ và trẻ em.

Mục tiêu của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Đến năm 2025, thành lập và duy trì hoạt động 9.000 tổ truyền thông cộng đồng; thành lập mới 6.750 nhóm tiết kiệm cho vay tự quản; 1.800 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản đang hoạt động chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình Nhóm tiết kiệm cho vay tự quản; 500 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ lãnh đạo hoặc các cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; 500 địa chỉ an toàn được củng cố trên cơ sở mô hình địa chỉ tin cây hiện có và thành lập mới 500 địa chỉ ở cộng đồng…

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Dự thảo hướng dẫn thực hiện Dự án 8 của Hội LHPNVN. Đồng thời, cám ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, các đề xuất, kiến nghị của các địa phương và sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia vào Dự thảo này. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, với mục tiêu xác định những vấn đề cấp thiết, phát huy vai trò chủ thể của người dân, cần phát huy dân chủ, tăng cường phối hợp chặt chẽ, phân cấp mạnh hơn để các địa phương chủ động triển khai hiệu quả Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đề nghị, trên cơ sở nội dung phối hợp giữa 2 ngành, Hội LHPNVN cấp cơ sở và Ban Dân tộc các tỉnh/thành phố cần khẩn trương tham mưu, xây dựng nội dung, kế hoạch phối hợp, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Các hoạt động phối hợp liên ngành được triển khai đồng bộ sẽ đóng góp vào sự thành công của Chương trình MTQG, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, đảm bảo thực hiện quyền của phụ nữ và trẻ em.

Bài liên quan
  • Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG
    (TN&MT) - Phát biểu khai mạc Hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Chương trình MTQG là một chính sách lớn, có tính bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Những người Khơ Mú (Mường Chà) giữ hồn dân tộc
(TN&MT) - Cuối năm, trời Điện Biên nắng vàng như rót mật. Quốc lộ 12 đen lĩnh như tấm lụa vắt ngang giữa đại ngàn. Độ này, hoa dã quỳ nở khắp cung đường, vàng xuộm. Bản Khơ Mú bình yên, khiêm tốn bên dòng Nậm Mức. Cả bản Púng Giắt , xã Mường Mươn có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh còn 22,85%. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng họ vẫn hào sảng say sưa hát, say sưa múa… lạc quan và yêu đời như vốn tự nhiên có của mảnh đất này...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO