Phát huy tối đa lợi thế để Hà Giang phát triển

20/03/2015 00:00

(TN&MT) – Đó phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc” do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Hà Giang tổ chức chiều 20/3. Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư đã tới dự.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu, phân tích những khó khăn cũng như những nguồn lực, thuận lợi của Hà Giang để phát triển trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu, phân tích những khó khăn cũng như những nguồn lực, thuận lợi của Hà Giang để phát triển trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Dự và đồng chủ trì Hội thảo còn có: ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Đàm Văn Bông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân...
Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân...

Hội thảo đã thu hút trên 300 đại biểu là các lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp… đến từ các Bộ, ban, ngành, các vùng miền, các tỉnh trong cả nước và các doanh nghiệp, doanh nhân trong cũng như ngoài nước có nhiều tâm huyết quan tâm đến đầu tư vào Hà Giang.

Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã giới thiệu và tập trung bàn, thống nhất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Giang. Hội thảo đã tập trung vào các chuyên đề về định hướng xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, trên cơ sở liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Hội thảo
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Hội thảo

Các chuyên đề định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản, tự nhiên có thế mạnh để trở thành hàng hóa; xây dựng Hà Giang thành vùng trọng điểm quốc gia về  trồng và chế biến cây dược liệu (nông - công nghiệp dược liệu), trên cơ sở thống nhất chung chủ trương liên kết vùng với một số tỉnh trong khu vực. Các chuyên đề về định hướng phát triển kinh tế biên mậu Hà Giang gắn với thị trường tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; cơ chế, chính sách gắn phát triển kinh tế biên mậu với đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh...

“Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc” sẽ là tiền đề để hoàn thiện Kế hoạch hoặc Đề án tổng thể về phát triển tỉnh Hà Giang, trong đó xác định rõ định hướng phát triển và các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Hà Giang để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt” – ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh.

Bàn tay người thợ thổ cẩm Hà Giang
Bàn tay người thợ thổ cẩm Hà Giang

Trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã kiến nghị và mong nhận được sự thống nhất của các Bộ về đề án, dự án phát triển du lịch và cơ chế, chính sách xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn; định hướng các giải pháp phát triển du lịch Hà Giang mang tính bền vững; có sản phẩm du lịch đặc sắc...

Hà Giang cũng đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông - công nghiệp dược liệu của tỉnh và mở rộng ra các tỉnh xung quanh tạo thành vùng dược liệu quốc gia (trong đó Hà Giang là trung tâm); đề xuất được hướng phát triển công nghiệp chế biến dược liệu và thị trường cho sản phẩm dược liệu; Đề xuất được các giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

“Chúng tôi đề xuất Trung ương kết luận cho tỉnh Hà Giang được thí điểm cơ chế tích hợp giữa chính sách phát triển kinh tế với chính sách an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh...” – ông Triệu Tài Vinh nói.

Phó Thủ tướng thăm gian hàng dệt thổ cẩm
Phó Thủ tướng thăm gian hàng dệt thổ cẩm

Tại Hội nghị, tỉnh Hà Giang đã đánh giá tổng quan về tiềm năng, lợi thế khó khăn, thách thức của tỉnh. Đồng thời cùng đề ra mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc, để trao đổi cung cấp các thông tin về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng và đề ra được những nhiệm vụ quan trọng trong mối liên kết vùng trong giai đoạn tới, tạo diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, Đoàn Ngoại giao, cơ quan quản lý hoạt động du lịch gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển vùng Đông Bắc, Tây Bắc.

Tại hội thảo lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đã phát biểu và có nhiều đóng góp thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế của Hà Giang trong giai đoạn vừa qua đồng thời đưa ra nhiều ý kiến cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang trong giai đoạn tới. Nói như GS-TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thì: “Hà Giang cần tận dụng lợi thế trong mối liên hệ kinh tế vùng Đông Bắc và Tây Bắc để tạo động lực cho phát triển kinh tế. Tỉnh cần phát huy tất cả các lợi thế như: kinh tế nông nghiệp nhất là phát triển công nghiệp cây dịch vụ, chăn nuôi đại gia súc, kinh tế du lịch…”.

Theo ông Vương Đình Huệ, để tạo đà phát triển, Hà Giang cần: “Trên cơ sở Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn và những đặc thù về sinh thái để phát triển các khu công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghiệp dịch vụ gắn với thương hiệu Hà Giang, phát triển kinh tế biên mậu với các tỉnh trong vùng và đặc biệt là tỉnh Vân Nam Trung Quốc… Và quan trọng nhất là tất cả các ngành, các định hướng phát triển đều cần theo hướng sinh thái, bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đây là những vấn đề mà Chính phủ cũng như quốc tế đang quan tâm và khuyến khích”.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang giới thiệu sản phẩm cam sạch với đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang giới thiệu sản phẩm cam sạch, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường với đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đánh giá cao những thành tích trong việc vượt khó vươn lên của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các tham luận của lãnh đạo các Bộ ngành, các nhà khoa học... đã phân tích những khó khăn, thuận lợi, nêu những đóng góp cho Hà Giang. 

Phó Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu đã đạt được những kết quả trên tất cả các lĩnh vực, năm 2014 nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 6,32%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, Nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 37,43%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 26,17%; Dịch vụ chiếm 36,4%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 16,2 triệu đồng. Giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu đạt 250 triệu USD. Thu ngân sách trên địa bàn 1.440 tỷ đồng. Thay mặt Chính phủ tôi đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Phó Thủ tướng cho biết, trong những năm qua Chính phủ đã quan tâm toàn diện đến vùng Tây Bắc trong đó có Hà Giang, nhiều chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, các Chương trình dự án ODA do các tổ chức quốc tế tài trợ trong thời gian qua được sử dụng hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường của vùng Tây Bắc nói chung và đối với tỉnh Hà Giang nói riêng cũng như thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và của Việt Nam đã cam kết và quyết tâm thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra sản phẩm của người thợ vùng cao Tây Bắc
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra sản phẩm của người thợ vùng cao Tây Bắc

Kết luận hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi và ủng hộ Hà Giang và các địa phương trong vùng, nhất là trong việc triển khai các mối liên kết vùng đã được các tỉnh dự thảo và gửi tới các Bộ ngành.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong vùng cần phát huy nội lực, tận dụng lợi thế cạnh tranh, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, xúc tiến đầu tư, đối thoại công - tư, cải cách thủ tục hành chính, chủ động công bố danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính và các nhà tài trợ nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của vùng… “Tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị này các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ có những quyết định để hỗ trợ, đầu tư vào tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong vùng, có những chương trình, dự án hợp tác triển khai thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bài & ảnh: Việt Hùng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tối đa lợi thế để Hà Giang phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO