Phật giáo Việt Nam đồng hành vì một Việt Nam Xanh: Phật giáo TP.HCM và sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc

Thảo Nguyên | 04/11/2021, 10:01

(TN&MT) - Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước sẽ được rút gọn và tổ chức trực tuyến nhằm đồng hành cùng đất nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời dành nguồn lực để thực hiện công tác xã hội từ thiện và các sứ mệnh cao cả khác.

Không để ảnh hưởng đến kết quả chống dịch

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, Hòa Thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết: Theo dự kiến và kế hoạch ban đầu, đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN sẽ được tổ chức ở quy mô lớn với chuỗi sự kiện để đánh dấu những thành tựu của Phật giáo Việt Nam cùng những đóng góp to lớn cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, lãnh đạo GHPGVN quyết định tổ chức chương trình đại lễ bằng hình thức online với một lễ kỷ niệm chung trên phạm vi cả nước, các sự kiện gặp mặt khác sẽ cơ bản hủy bỏ…

Khung cảnh thanh tịnh trong chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM).

Theo đó, lễ kỷ niệm chính sẽ diễn ra đúng ngày 7/11 (ngày diễn ra Đại hội thống nhất Phật giáo cách đây 40 năm - 7/11/1981) được tổ chức trực tuyến, điểm cầu chính từ Hội trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và được kết nối đến 63 đầu cầu tại Hội trường Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố.

Riêng tại TP.HCM, theo Hòa Thượng Thích Huệ Thông, do thành phố có nhiều vị lãnh đạo của Trung ương Giáo hội sinh sống và tu tập, nhiều cơ quan Trung ương liên quan đóng trên địa bàn, vì vậy, Ủy ban MTTQ thành phố đã thống nhất chuyển đường truyền kết nối về Hội trường 2 của Trung ương GHPGVN (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM). Lễ kỷ niệm tại TP.HCM sẽ được khống chế đại biểu tham dự theo cấp độ dịch của thành phố, các đại biểu đều phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và đảm bảo 5K trong phòng, chống dịch. Đồng thời, tất cả các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các quận, huyện, TP. Thủ Đức và tất cả các chùa, cơ sở thờ tự trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ không tổ chức các hoạt động kỷ niệm mà chỉ treo cờ Phật, biểu ngữ, băng rôn để chào mừng.

Hòa Thượng Thích Huệ Thông cho rằng: Phật giáo là tôn giáo của dân tộc, những lúc dân tộc khó khăn thì Phật giáo luôn đồng hành, chia sẻ. Giai đoạn này, kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình tình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc tổ chức lễ kỷ niệm phải vừa hết sức đơn giản, tiết kiệm và đặc biệt phải an toàn trong phòng, chống dịch.

Hành trình bảo vệ môi trường

Chia sẻ về hành trình đồng hành cùng dân tộc trong 40 năm qua, theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều thành tựu, nhiều đóng góp cho dân tộc, cho nhân dân trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, những năm qua, trước tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tới Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam đã xác định “không thể đứng ngoài và phải có trách nhiệm”.

Theo đó, Giáo hội đã lồng ghép, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu của Phật tử. Trung ương Giáo hội đã hướng dẫn các cấp Giáo hội Phật giáo thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam, cơ quan Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một buổi ra quân làm sạch môi trường của Câu lạc bộ Hành trình xanh chùa Liên Hoa.

Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM cho biết: Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo TP.HCM luôn chủ động tham gia các chương trình, hoạt động, phong trào BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của TP.HCM như Kế hoạch giảm rác thải nhựa, Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”… Nhiều mô hình BVMT của các cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố đã được tuyên dương và nhân rộng tại nhiều địa phương.

Điển hình như Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng thuộc Chùa Pháp Bảo (quận Gò Vấp) đã tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tình nguyện viên, Phật tử và Ban Điều hành khu phố các phường trên địa bàn quận Gò Vấp. Câu lạc bộ “Hành trình xanh” chùa Liên Hoa (quận 11) với gần 100 thành viên đã duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường vào sáng thứ 7, chủ nhật hàng tuần, tạo sự lan tỏa ý thức BVMT cho cộng đồng. Chùa Long Hoa (quận 8) đã duy trì hoạt động thả cá ra kênh Tàu Hũ - Bến Nghé định kỳ hàng tháng, với mong muốn góp phần làm sạch môi trường kênh rạch và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái…

Ngoài ra, đến nay, nhiều ngôi chùa tại TP.HCM đã không còn đốt vàng mã, việc đốt nhang đèn cũng được hạn chế tối đa. Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (ngôi chùa 20 năm nay không đốt vàng mã), đây là một hủ tục, việc đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường và cũng là nguyên nhân khiến cây rừng bị đốn hạ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO