Với lịch sử lâu đời, Huế vốn được mệnh danh là thành phố Phật giáo của Việt Nam, là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở khu vực miền Trung. Hòa cùng dòng chảy của dân tộc, Phật giáo Huế luôn hài hòa, gắn bó mật thiết trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày này, Phật tử cả nước nói chung và ở Huế nói riêng đang hướng đến đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Không khí các con đường, các ngôi chùa... trở nên rộn ràng hơn, cờ Phật và đèn lồng được treo khắp nơi. Đặc biệt, các Hòa thượng, Tăng, Ni, Phật tử... tại vùng đất Cố đô luôn quan tâm tới các hoạt động BVMT và những việc làm thiết thực đã trở thành truyền thống tốt đẹp của các Tăng, Ni, Phật tử.
Có mặt tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế vào ngày chủ nhật gần đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ sáng sớm đã có rất nhiều các Tăng Ni, Phật tử ra quân làm vệ sinh môi trường, nhặt rác ở trung tâm cũng như các tuyến đường xung quanh.
Khuôn viên các chùa ở TP. Huế rợp bóng cây xanh. |
Nhận thức sâu sắc về tác hại của rác thải, chị Ngọc Trang (học viên Chương trình Phật học ứng dụng Liễu quán Huế) cho rằng, hiện nay môi trường sống đang bị đe dọa trầm trọng, đặc biệt vấn đề rác bẩn, không khí ô nhiễm, đồ ăn thức uống mang hóa chất độc hại, nguồn nước không sạch... gây ra bệnh tật cho nhiều người.
“Mình và những người bạn ở đây hiểu được tác hại của rác đến môi trường. Vì vậy, ai ai cũng rất nhiệt tình tham gia hoạt động cộng đồng, làm vệ sinh, nhặt rác. Bản thân mình thấy rằng, hoạt động này rất có ý nghĩa và giúp cho môi trường ở Huế nói riêng và cả nước nói chung có thể xanh, sạch hơn. Hy vọng hành động của chúng mình sẽ giúp lan tỏa đến tất cả mọi người xung quanh, nhất là trong mùa đại lễ nhiều ý nghĩa này”, chị Trang bộc bạch.
Gần đây, các tổ chức trên địa bàn cũng đã phối hợp xây dựng các mô hình điểm cấp quốc gia về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu như Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hải Đức (Chùa Hải Đức), Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ công tác xã hội Hàm Long (TP. Huế). Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Huế đã tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT bằng những hành động cụ thể cho người dân theo phương châm 4T (tiết giảm - tái chế - tái sử dụng - thể hiện lòng nhân ái).
Khẳng định tinh thần Phật dạy về nếp sống hài hòa với thiên nhiên, yêu môi trường, những ngôi chùa ở Huế rợp bóng cây xanh, tỏa không khí trong lành, yên tĩnh và trở thành những điểm thu hút Tăng, Ni, tín đồ cũng như khách thập phương tìm đến để được thụ hưởng không gian chốn tu tập lý tưởng và tìm sự thanh thản cho tâm hồn.
Các chùa trên địa bàn TP. Huế cũng thực hiện những mô hình cụ thể như “Tuyến đường tự quản về môi trường”; “Ngày Chủ nhật xanh ” được phát động hàng tuần để cùng với khu dân cư tham gia dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan xung quanh chùa và các địa bàn dân cư lân cận. Phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, gắn biển tuyên truyền trực quan... góp phần làm cho các khu phố ngày càng văn minh, sạch đẹp. Đặc biệt, các cơ sở thờ tự đã phát động đồng bào Phật tử không rải vàng mã, áo giấy, các loại tiền trên đường đi đưa tang, tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cộng đồng.
Phật tử ở Huế dọn rác thải. |
Trao đổi với phóng viên, Hòa thượng Thích Đức Thanh - Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, tác nhân gây nên những vấn đề môi trường hiện nay không ai khác chính là con người. Do đó, việc giải quyết vấn đề môi trường cũng phải bắt đầu từ chính con người. Sống xanh, hòa mình vào thiên nhiên, thân thiện với môi trường, cùng nhau có trách nhiệm với một môi trường bền vững đã trở thành thông điệp sống hàng ngày của Phật tử trên địa bàn theo phương châm “Hương đỏ - cỏ sạch”.
“Giáo hội luôn kêu gọi các Tăng, Ni, gia đình Phật tử... học tập giáo lý đầy đủ, quét dọn vệ sinh môi trường, phân loại rác, trồng thêm cây xanh tại nhà và các chùa. Thường xuyên tổ chức các khóa tu cho Phật tử với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề BVMT luôn đi đầu. Ăn chay, sống chậm, không tham lam... cũng là việc mang lại những lợi ích lớn cho việc BVMT. Những điều ý nghĩa này trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội thì chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đến Phật tử nhiều hơn. BVMT cũng chính là để bảo vệ chính mình”, Hòa thượng Thích Đức Thanh chia sẻ.
TP. Huế có nhiều chùa bậc nhất cả nước, với hơn 400 ngôi chùa và 230 niệm phật đường. Trong đó có thể kể đến nhiều ngôi cổ tự đẹp và nổi tiếng như Thiên Mụ, Huyền Không Sơn Thượng, Từ Hiếu, Thiền Lâm, Từ Đàm... Huế cũng có 2 Tuệ tĩnh đường lớn là Tuệ Tĩnh đường Hải Đức và Tuệ tĩnh đường Liên Hoa.
Nhiều lần tham gia dọn vệ sinh cùng các Tăng, Ni, Phật tử ở Huế, ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế đánh giá cao những việc làm gìn giữ môi trường của các Phật tử thời gian qua.
“Mong rằng, những mô hình, cách làm hay sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa trong bà con trong thời gian tới, với phương châm tốt đời đẹp đạo, vì mục tiêu xây dựng một xứ Huế an lành, xanh sạch sáng cho cuộc sống của mỗi chúng ta” - ông Định nói.