Phật giáo Việt Nam đồng hành vì một Việt Nam Xanh: Bảo vệ môi trường là chuẩn mực đạo đức

Trí Hòa - Trí Việt | 04/11/2021, 10:02

(TN&MT) - Sống hòa mình vào thiên nhiên, nuôi dưỡng, tôn trọng thiên nhiên, thân thiện với môi trường, giản dị, biết đủ, dùng ít… là cách mà Phật giáo đã và đang xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức bảo vệ môi trường.

Từ góc nhìn đạo Phật…

Duyên khởi và Nhân quả được cho là những triết lý rất gần để đạo Phật thuyết giảng, vận dụng vào nội dung bảo vệ môi trường (BVMT), ứng xử thiện với môi trường và thế giới tự nhiên. Thuyết Duyên khởi cho rằng, con người là sản phẩm kết hợp nhân duyên giữa điều kiện tự nhiên và xã hội cùng các yếu tố tâm - sinh. Do vậy, con người và giới tự nhiên có mối quan hệ hữu cơ gắn bó khăng khít với nhau. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên, môi trường. Môi trường là điều kiện cho sự sống của con người. Khi môi trường bị phá hoại thì sự sống của con người cũng bị đe dọa, tổn thương.

Xuất phát từ quan niệm con người sinh ra từ tự nhiên nên đạo Phật xem ứng xử thiện với tự nhiên là cách con người trả ơn cho cái nôi tạo ra và nuôi dưỡng sự sống của chính mình; và ngược lại, thiếu tôn trọng đối với môi trường như là chưa tìm ra Phật tính của mỗi người, hay nói nôm na là vô ơn với thiên nhiên. Chỉ khi con người biết gieo hạt biết ơn thì mới có thể hy vọng hái trái thiện lành từ thiên nhiên. Một trong những biểu hiện biết ơn, theo lời khuyên của Đức Phật đó là con người nên nuôi dưỡng để báo đáp thiên nhiên, sống giản dị, giới hạn nhu cầu của mình trong một chừng mực cần thiết, tiết giảm là cách để con người bớt gánh nặng lên môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cùng chư Tăng hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh.

Trong một bài kinh khác, Đức Phật dạy các đệ tử không được đổ những vật dư thừa bừa bãi lên cây cỏ và đặc biệt là không làm ô uế dòng nước. Theo Đức Phật, cây có đời sống của cây, nếu con người biết thở thì cỏ cây, các dòng nước cũng cần phải thở. Còn bởi trong quan niệm của đạo Phật, tính thanh lọc, đức nhẫn nại, nhu hòa, ẩn mình của nước có liên quan đến bổn phận tâm thủy của người tu. Và như vậy, thiên nhiên, môi trường không chỉ là cái nôi sinh ra con người nói chung và Phật tử nói riêng mà thiên nhiên, môi trường còn là một phần thuộc tính của con người, là phẩm chất trong sáng thánh thiện để con người và Phật tử hướng đạo. Tức là, bảo vệ thiên nhiên môi trường là con người đang bảo vệ môi trường sống, sự sống của chính mình; bảo vệ môi trường tu tập và phẩm chất của người tu hành.

… đến hiện thực cuộc sống

Phật giáo đã từng chỉ ra sự khủng hoảng sinh thái, ô nhiễm môi trường là hệ quả của việc con người tham sân si và buông thả bản thân. Vì vậy, người tu hành luôn lấy những việc làm thiện với thiên nhiên và môi trường để hành đạo. Hơn 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, đặc biệt, kể từ thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra đời, hành đạo với thiên nhiên và môi trường đã trở thành nét văn hóa trong truyền thống “Hộ quốc - An dân”. Đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã và đang góp phần tạo ra những nhận thức đẹp nơi cộng đồng về quan niệm sống có trách nhiệm BVMT, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đưa đạo vào đời và lấy đời truyền đạo.

GHPGVN đã tích cực vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia các hoạt động BVMT, kết nối đức thiện trong ứng xử với môi trường của người tu tập thành những phong trào rõ nét và lan tỏa rộng rãi. Những năm gần đây, từ Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu” đến các phong trào trồng cây, BVMT, chống rác thải nhựa, đều có sự hưởng ứng, tham gia, ký kết của đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, trong đó đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình tích cực của nhiều chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Tăng, Ni và đông đảo Phật tử.

Bằng việc là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu", Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã nêu một tấm gương sáng về BVMT và lan tỏa tinh thần ấy đến đông đảo các tổ chức, cá nhân. Hiện 63/63 Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia ký kết Chương trình phối hợp BVMT; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho Tăng, Ni, Phật tử và người dân ở cộng đồng tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT; không sử dụng các chất cấm trong trồng trọt,  chăn nuôi; tôn trọng, bảo vệ đa dạng sinh học và sinh mệnh của muôn loài nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái; nêu cao ý thức, trách nhiệm BVMT, phân loại rác thải ở từng hộ gia đình, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, không xả rác bừa bãi ra môi trường; hoạt động Phật sự theo tinh thần Bồ Tát đạo, hạn chế đốt vàng mã tại các tự viện, cơ sở thờ tự Phật giáo...

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, GHPGVN đã kêu gọi thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông bằng túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần; không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong sinh hoạt, hội họp, tiếp khách. Đặc biệt, GHPGVN đã đề nghị Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố không sử dụng chất liệu nhựa trong các lễ hội “Hoa đăng” để hạn chế ô nhiễm và hủy hoại môi trường nước.

Cùng với đó là các phong trào “Trồng cây phúc đức”, “Trồng cây trí đức”, trồng cây “Vì một Việt Nam xanh”, “Trồng mới và chăm sóc 1 tỷ cây xanh...” vào mùa Xuân, Tết Nguyên đán hàng năm, các dịp lễ hội Phật giáo… kêu gọi Phật tử và nhân dân hiểu cho đúng về lộc để từ bỏ tục lệ “hái lộc”, “bẻ lộc” đêm Giao thừa ảnh hưởng đến cây xanh; khuyến khích phóng sinh; kêu gọi xây dựng lối sống thân thiện với môi trường và xem tất cả những việc làm vì môi trường là cách thức để tích nghiệp thiện…

Quan điểm đạo đức về môi trường, tiếng nói đạo đức về môi trường và hành động thiết thực về môi trường của Phật giáo Việt Nam đã góp phần lay chuyển tâm thức của tín đồ và quần chúng tín đồ Phật giáo, xây dựng và hoàn thiện giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt và hiện thực hóa mục tiêu Phật giáo đồng hành vì một Việt Nam xanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO