Phật giáo chung tay phòng chống dịch Covid-19

Trí Việt | 04/05/2021, 11:59

(TN&MT) - Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, vừa qua, Thượng tọa Thích Đức Thiện thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra văn bản số 87/HĐTS-VP1 Gửi các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; Tăng Ni các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các chùa, cơ sở tự viện trong tình hình hiện nay.

Theo Công văn, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt, một số nước có chung đường biên giới với nước ta dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Trong nước, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tinh trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Vì vậy, GHPGVN đã ban hành văn bản số 87/HĐTS-VP1 để chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Công văn nêu rõ, thực hiện Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự yêu cầu Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay:

Thứ nhất, đề nghị tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

Thứ hai, yêu cầu tất cả mọi người dân khi đến chùa bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Thứ ba, các các chùa, cơ sở tự viện cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi phụ trách.

Thứ tư, đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, địa phương tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác vận động tuyên truyền, kêu gọi người dân phát giác các trường hợp nhập cảnh trái phép để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Công văn của Ban Trị sự GHPGVN đã đáp ứng kịp thời tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi mới đây, đợt dịch thứ 4 đã khởi phát tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam như Yên Bái, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh…

Thực hiện Công văn của Ban Trị sự GHPGVN và trước tình hình diễn biến dịch bệnh trở lại phức tạp, khó lường, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời yêu cầu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố, các chùa trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thể hiện ở một số địa phương:

Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, các Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ… đều nâng cao mức cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Một số khu di tích Hoàng thành Thăng Long bố trí máy đo thân nhiệt tự động cho khách tham quan; tất cả khách tham quan khi đi qua cửa kiểm soát đều được yêu cầu rửa tay sát khuẩn bằng máy tự động. Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội đề ra yêu cầu: Khách không sát khuẩn tay, không đeo khẩu trang thì không được vào di tích.

Ninh Bình đóng cửa chùa Tam Chúc: Từ chiều ngày 29-4, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam và theo tinh thần Công văn 87 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã dừng toàn bộ các lễ hội, tạm đóng cửa các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng,… và sẽ mở cửa trở lại khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, trái với cảnh đông đúc trong dịp lễ, tết của những năm trước, trong ngày 30-4, chùa Tam Chúc tĩnh vắng bóng khách, các Tăng ni, Phật tử trong chùa đều thực hiện nghiêm việc mang khẩu trang, sát khuẩn và khoảng cách an toàn.

Chùa Tam Chúc tĩnh vắng khách

Tại Khu Di tích - danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hương Sơn phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các khâu: Tuyên truyền phòng dịch, kiểm soát các lối ra vào, yêu cầu khách khai báo y tế, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý trong di tích…

Đò nằm nghỉ trên Bến Đục (Chùa Hương)

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Ban Quản lý Khu di tích đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn tại các khu vực công cộng; thường xuyên giám sát, nhắc nhở, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân, du khách tự giác thực hiện việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách phù hợp. Trong khuôn viên đền, Ban Quản lý yêu cầu mọi người phải chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.

Là địa phương có nhiều khu di tích lớn, Quảng Ninh xác định nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa phương rất lớn, trong đó nguy cơ lớn nhất là từ khách du lịch và người dân Quảng Ninh đi về từ địa bàn có dịch. Tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, Ban Quản lý Di tích đã phối hợp Trung tâm Y tế thành phố, Trạm Y tế phường bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ việc khai báo y tế cho du khách. Đồng thời xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch đối với từng tình huống cụ thể. Trường hợp phát hiện du khách có các biểu hiện sốt, ho, nghi nhiễm Covid-19 sẽ bố trí vào khu vực cách ly y tế.

Các di tích trọng điểm như chùa Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm, chùa - quán Ngọc Thanh, chùa Trung Tiết,… được phun khử khuẩn, chủ động trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, sổ ghi chép khai báo y tế, dấu kiểm soát… để theo dõi và kiểm soát du khách ra, vào. Quy định một nghi lễ không quá 30 người được quán triệt rõ và thực hiện nghiêm…

Hiện nay, nhu cầu tâm linh, tham quan, vãn cảnh của người dân và du khách tại các địa điểm di tích, trong đó có các chùa là rất lớn, vì vậy việc ban hành các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; Tăng Ni các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước… là một trong những giải pháp vừa đảm bảo an toàn cho người dân vừa góp phần vào công cuộc chống dịch chung của cả nước, thể hiện tinh thần đồng lòng chống dịch của Việt Nam trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO