Dân tộc - Tôn giáo

Phân vùng sạt lở để chủ động phòng tránh

Mai Đan 27/09/2023 10:04

(TN&MT) - Trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng thiên tai vô cùng nguy hiểm, hàng năm đều gây thiệt hại về người và tài sản cho tại các tỉnh miền núi. Nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng bản đồ phân vùng phục vụ phòng chống thiên tai một cách chủ động hơn.

anh-1-truot-lo-va-lu-bun-da-nam-2020-o-quang-nam.jpg
Lưu vực thuộc xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra trượt lở và lũ bùn đá năm 2020

Thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở - mục tiêu tiên quyết giảm thiểu rủi ro

Trên phạm vi cả nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng tăng, khó lường kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực hơn. Đặc biệt, các loại hình thiên tai xảy ra ở miền núi như trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét… đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động nặng nề lên môi trường sống của bà con.

Trong đó phải kể đến thảm họa trượt lở, lũ bùn đá ở khu vực Trà Leng, Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và các tỉnh miền Trung, tập trung ở Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế năm 2020. Hay trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xảy ra vào ngày 2 - 3/10/2022, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Trong năm nay, các trận sạt lở, trượt lở đất đá cũng liên tục xảy ra tại các tỉnh miền núi thuộc Tây Nguyên và Tây Bắc như Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Giang… Những sự cố này gây thiệt hại lớn về tài sản, các công trình giao thông và thiệt hại về người, khiến cuộc sống của bà con vùng núi vốn khó khăn lại càng khốn đốn hơn.

anh-2-truot-sau-tai-thanh-hoa.jpg
Lưu vực có khả năng xảy ra trượt sâu tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Theo các nhà địa chất, những hiện tượng thiên tai này thường liên quan chặt chẽ đến các hình thái thời tiết cực đoan (cường độ mưa cao bất thường, tập trung thời gian ngắn; hoặc mưa với thời gian dài và cường độ cao, có thể xảy ra sau một thời gian nắng nóng và khô hạn kéo dài); hoặc mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn, hoặc ngược lại. Tác nhân từ thời tiết cực đoan đã gây ra chuỗi loại hình tai biến như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá xuất hiện tại miền núi Việt Nam, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung.

Theo TS. Đỗ Minh Hiển - Phòng Kinh tế Địa chất và Địa tin học, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng về quy mô, cường độ và tính khó lường như trên, năm 2022, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp, mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết và xác định ngưỡng mưa kích hoạt tại các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro và phòng chống thiên tai, hỗ trợ đắc lực trong công tác quy hoạch của địa phương, đưa ra các biện pháp phòng chống và ứng phó phù hợp với từng loại hình thiên tai nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản, góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ các loại hình tai biến có vai trò quan trọng trong bài toán quy hoạch địa phương, làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro và đưa ra các kịch bản ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính vì vai trò quan trọng đó, mục tiêu thành lập các bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến ở tỷ lệ lớn (từ tỷ lệ 1:10.000 đến lớn hơn) với mức độ dự báo chính xác hơn là một bước tiếp cận đúng đắn và cấp thiết.

Cần xây dựng các trạm cảnh báo sớm tai biến

TS. Đỗ Minh Hiển cho rằng vai trò của việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ các loại hình tai biến đã rõ, tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả từ các kết quả của bản đồ, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải xây dựng bộ dữ liệu liên quan đến tác nhân khống chế hay kiểm soát các loại hình tai biến này. Do đó, việc lựa chọn các phương pháp, kỹ thuật, mô hình cũng như bộ dữ liệu liên quan đến các tác nhân chính gây trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét cần ưu tiên hàng đầu.

Đồng thời, để thu thập các số liệu liên quan đến các yếu tố kích hoạt như lượng mưa và sự thay đổi về mực nước ngầm (áp suất nước lỗ rỗng), việc đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc, thu thập, xử lý, phân tích các dữ liệu này là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần thu thập, xử lý và phân tích ở tỷ lệ chi tiết các yếu tố hình thái địa hình địa mạo, độ dốc sườn cũng như yếu tố liên quan đến hoạt động của con người là thảm phủ/đất sử dụng để đảm bảo chất lượng của các bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến.

Ngoài việc lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét, TS. Đỗ Minh Hiển cho biết, cần xây dựng các trạm cảnh báo sớm tai biến. Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét sẽ định hướng về mặt lựa chọn vị trí lắp đặt các khu vực cảnh báo sớm thiên tai. Các vị trí này phải được lựa chọn theo tiêu chí là lưu vực có tiềm năng xuất hiện đa thiên tai (tổ hợp các tai biến xảy ra: trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét) hoặc là vị trí có nguy cơ cao xảy ra một trong các loại hình thiên tai này, có khả năng cao ảnh hưởng đến các yếu tố chịu rủi ro như: khu vực dân cư, hành chính, công trình trọng điểm…

Các trạm giám sát và cảnh báo sớm sẽ tùy thuộc vào mục đích cảnh báo và điều kiện kinh tế của địa phương để lắp đặt các thiết bị cảnh báo như: camera giám sát; các thiết bị thu nhận dữ liệu: thiết bị đo mưa, thiết bị đo chuyển dịch, thiết bị căng kế, thiết bị đo mực nước ngầm (thay đổi áp suất nước lỗ rỗng), độ ẩm đất; hệ thống điểu khiển trung tâm; hệ thống truyền tin…

Việc đầu tư sản xuất các trang thiết bị cảnh báo sớm và nội địa hóa các thiết bị này cần được tập trung nghiên cứu nhằm giảm giá thành và chủ động trong khâu cung cấp thiết bị cho các trạm giám sát, cảnh báo sớm.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở các khu vực miền núi, nơi thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai để hỗ trợ chia sẻ thông tin, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tăng tính ứng dụng, đảm bảo hiệu quả sử dụng của bản đồ.

TS. Đỗ Minh Hiển hy vọng rằng việc xây dựng bản đồ phân vùng sẽ giúp các địa phương vùng miền núi phòng chống thiên tai hiệu quả, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho bà con vượt qua mọi khó khăn, mất mát, khí hậu khắc nghiệt, để bà con yên tâm bám đất, bám bản, vươn lên lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng tránh sạt lở đất, đá
    (TN&MT) - Khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) là những tỉnh chịu tác động trực tiếp và gián tiếp nhiều loại thiên tai. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đất, đá đã và đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Bắc Trung Bộ (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT) về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Những người Khơ Mú (Mường Chà) giữ hồn dân tộc
(TN&MT) - Cuối năm, trời Điện Biên nắng vàng như rót mật. Quốc lộ 12 đen lĩnh như tấm lụa vắt ngang giữa đại ngàn. Độ này, hoa dã quỳ nở khắp cung đường, vàng xuộm. Bản Khơ Mú bình yên, khiêm tốn bên dòng Nậm Mức. Cả bản Púng Giắt , xã Mường Mươn có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh còn 22,85%. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng họ vẫn hào sảng say sưa hát, say sưa múa… lạc quan và yêu đời như vốn tự nhiên có của mảnh đất này...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO