Petrolimex: Mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh

27/04/2017 00:00

(TN&MT) – Tại Đại hội Cổ đông thường niên 2017 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, năm 2016 các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Petrolimex đều vượt kế hoạch; Năm 2017, tập đoàn xây dựng mục tiêu sản lượng tăng trưởng hơn 3%, đây là yếu tố quyết định liên quan đến hiệu quả kinh doanh.

Đóng góp ngân sách 33.000 tỷ đồng

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, năm 2016, tổng sản lượng xăng dầu bán của Tập đoàn đạt mức 11.442 nghìn m3/tấn, vượt 5,3% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với thực hiện năm 2015; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn đạt 6.300 tỷ, vượt 59% kế hoạch năm, tăng 68% so với thực hiện năm 2015, đạt mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 5.147 tỷ đồng, lãi cơ bản trên một cổ phiếu đạt 4.254 đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh đặc thù nên các chỉ tiêu đánh giá kết quả kinh doanh có sự khác biệt. Tiêu thức để phát triển liên quan đến sản lượng chứ ít khi liên quan đến doanh thu bởi doanh thu phụ thuộc vào giá dầu quốc tế. Vậy nên, tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn đạt được trong năm 2016  là rất khả quan nhưng doanh thu không bằng 2015 bởi giá dầu năm 2016 thấp hơn 20% so với giá dầu bình quân 2015 cho dù sản lượng cao hơn.

Petrolimex Aviation tiếp nhiên liệu cho Lockheed C-130 Hercules của U.S Air Force tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
Petrolimex Aviation tiếp nhiên liệu cho Lockheed C-130 Hercules của U.S Air Force tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài

Sang quý 1 năm 2017, do chúng ta có Tết dài và tình hình kinh tế chưa thực sự hồi phục do đó sản lượng kinh doanh nội địa trong quý 1 của Tập đoàn đạt 23% so với kế hoạch năm. Quý 1 là quý thường chỉ đạt sản lượng thấp nhất trong năm. Lợi nhuận quý 1/2017 cao hơn quý 1 năm 2016 khoảng 2% sau khi trừ khoản bất thường (Lợi nhuận hợp nhất quý 1/2016 đạt khoản 1.300 tỷ trong đó có 220 tỷ là thu nhập mang tính chất bất thường).

Đánh giá những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Petrolimex trong năm qua, bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, kết quả kinh doanh của tập đoàn đã đem lại lợi ích lớn cho Nhà nước, cổ đông, và người lao động. Năm 2016, Nhà nước đã thu ngân sách trong lĩnh vực xăng dầu khoảng 33.000 tỷ đồng, ngoài ra sắp tới đây dự kiến Nhà nước sẽ thu về gần 3.200 tỷ đồng từ cổ tức của Tập đoàn (mức cổ tức dự kiến 32,24% bằng tiền mặt). “Vốn Nhà nước tại Petrolimex là khoản đầu tư "cực kỳ hiệu quả", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đánh giá tình hình năm 2017, ông Trần Văn Thịnh - Tổng giám đốc Tập đoàn cho hay, dự báo giá dầu thô thế giới dự kiến sẽ ở mức bình quân 55 USD/thùng, hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi như: Liên bộ tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường thế giới, kinh tế trong nước được dự báo sẽ duy trì ổn định.

Tuy nhiên, năm 2017 hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng chịu tác động từ các yếu tố bất lợi như thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh quyết liệt, một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ sử dụng mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế để giảm giá thành, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp sản phẩm thương mại từ quý 3/2017…

Phấn đấu tăng sản lượng hơn 3% trong năm 2017

Trước thực tế đó, Tập đoàn xây dựng mục tiêu sản lượng 2017 đạt 11,82 triệu m3, tăng 3,3% năm trước, doanh thu hợp nhất đặt kế hoạch 143.208 tỷ đồng, tăng 16,3% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 4.680 tỷ đồng, chia cổ tức tối thiểu 12%. Tổng giá trị đầu tư năm 2017 đặt ra ở mức 1.449 tỷ đồng, tăng 38%.

.Chiến lược phát triển tới 2030 thu nhập ngoài xăng dầu và xăng dầu đạt mức 50-50 như mạng lưới truyền thống của các công ty xăng dầu trên toàn thế giới
.Chiến lược phát triển tới 2030 thu nhập ngoài xăng dầu và xăng dầu đạt mức 50-50 như mạng lưới truyền thống của các công ty xăng dầu trên toàn thế giới

Về lợi nhuận 2017 xây dựng thấp hơn thực hiện 2016, do năm 2016 Tập đoàn có một số khoản lợi nhuận bất thường do Tập đoàn đã khai thác một cách rất tốt từ một số địa bàn có cam kết quốc tế về mở thị trường, cụ thể là mặt hàng xăng từ Hàn Quốc và mặt hàng về diesel tại khu vực Asean nhưng năm nay khoản này không còn nữa.

Đối với việc phát triển thị trường bán lẻ, đây là chương trình tập đoàn chú trọng đầu tư và có chương trình để gia tăng giá trị đối với các điểm bán hàng. Các loại hình dịch vụ được triển khai tại các điểm bán hàng, đã lựa chọn nhiều năm để tổ chức mạng lưới cửa hàng tiện ích, gia tăng thêm lợi nhuận tại các cửa hàng. Chiến lược phát triển tới 2030 thu nhập ngoài xăng dầu và xăng dầu đạt mức 50-50 như mạng lưới truyền thống của các công ty xăng dầu trên toàn thế giới. Việc tận dụng mạng lưới bán lẻ sẽ giúp PLX trở thành nhà bán lẻ thực thụ. Hiện công tác lựa chọn đối tác đang được nghiên cứu.

Thống nhất với kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Tập đoàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cảnh báo: “Tính đến thời điểm này chúng ta có 33 đầu mối xăng dầu và con số này chưa dừng lại. Hiện trên bàn của tôi có những đơn xin làm đầu mối xăng dầu bởi theo Nghị định 83 chúng ta không hạn chế đối tượng tham gia, chỉ cần đủ điều kiện là cấp, theo xu thế ngày càng minh bạch. Càng nhiều các đầu mối kinh doanh xăng dầu thì tính cạnh tranh càng cao hơn. Đây là thách thức thử thách cho Tập đoàn Petrolimex”.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng cho rằng, việc Petrolimex đặt chỉ tiêu sản lượng bán ra nhiều hơn cùng kỳ nghĩa là Tập đoàn vẫn đang mở rộng được thị trường. Ngoài ra, kế hoạch mỗi năm phát triển đầu tư mới 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một tham vọng rất lớn của Petrolimex và Tập đoàn cần phát huy những cái đang có, cố gắng củng cố phát triển hệ thống và tăng thêm tiện ích cho người tiêu dùng, nâng cao lợi thế cạnh tranh.

                                                                                        Sông Thương

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrolimex: Mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO