Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội: Năm 2016, thị trường BĐS tiếp tục khởi sắc

08/02/2016 00:00

 (TN&MT) - Năm 2015, có thể coi là một năm sôi động, nhộn nhịp của thị trường bất động sản (BĐS). Những tín hiệu tích cực ngày một rõ ràng hơn thể hiện qua sự gia tăng nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường. Để có một góc nhìn thực tế, cụ thể nhất về tình hình BĐS năm qua và những dự báo cho năm 2016, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Điệp (ảnh), Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.     

PV: Thưa ông, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2015 đã có dấu hiệu ấm lên, số lượng giao dịch thành công tăng lên đáng kể, lượng tồn kho giảm. Dưới góc độ là một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào và đâu là nguyên nhân để thị trường BĐS có sự “khởi sắc” đó?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Có thể nói, năm 2015, thị trường BĐS đã sôi động trở lại, với lượng căn hộ bán ra gấp 2 lần so với năm 2014 và nhiều lần so với các năm trước đó.  Có được sự tăng trưởng như vậy theo tôi có một số lý do chủ yếu sau. Đầu tiên là thị trường BĐS của chúng ta rất nhiều tiềm năng do mới hình thành được gần 15 năm trở lại đây. So với các thị trường BĐS trong khu vực, thị trường của ta còn tương đối non trẻ, cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn trong lĩnh vực này còn rất dồi dào. Thứ hai là nhu cầu ở thật của người dân vẫn rất lớn. Phân khúc nhà ở xã hội với đặc trưng giá rẻ, bình dân không đủ hàng để bán. Thứ ba là các chính sách vĩ mô nhằm điều tiết thị trường được đưa ra năm 2013 và 2014 đã kịp thời tác động tích cực đến thị trường 2015. Trong đó, có thể nói đến Nghị quyết 02 năm 2013 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Nhà ở 2014, các giải pháp về vốn và đặc biệt là gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân. Tôi cho rằng các chính sách vĩ mô là nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho thị trường BĐS có được sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 vừa qua. 

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.

PV: Với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường BĐS năm 2015, ông có dự báo như thế nào về tình hình thị trường trong năm 2016?  

Ông Nguyễn Thế Điệp: Năm 2016, theo đánh giá của tôi, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đà phục hồi của năm 2015 và còn khởi sắc hơn. Chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển lao động rất lớn từ nông thôn ra thành thị, kéo theo đó là nhu cầu có một căn nhà để sinh sống ổn định lâu dài sẽ càng trở nên bức thiết. Lượng người lao động này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây vẫn sẽ là phân khúc chủ đạo của năm 2016. Ngoài ra, nhiều chính sách vĩ mô được đưa ra thời gian qua có tính định hướng, cởi mở hơn cũng tạo động lực cho thị trường phát triển tốt. Có thể lấy ví dụ với việc cho phép người nước ngoài, người Việt Kiều mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp cho phân khúc thị trường BĐS trung, cao cấp và nghỉ dưỡng có được đà đi lên. 

PV: Ông có nói đến sự dịch chuyển của dòng người lao động từ nông thôn ra thành thị với nhu cầu sở hữu nhà rất lớn. Điều này sẽ làm gia tăng nhiều áp lực cho thành thị, trong đó, có áp lực về môi trường. Theo ông, cần có giải pháp gì để hạn chế tác động tiêu cực này?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Môi trường luôn là vấn đề nhức nhối, nan giải, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Riêng ở lĩnh vực BĐS, các cấp chính quyền cần có một chiến lược vạch ra lộ trình phát triển các KĐT sinh thái, không chấp nhận các dự án KĐT bằng mọi giá nếu thiếu đi các tiêu chí cụ thể về môi trường xanh. Chúng ta cũng nên khuyến khích phát triển các dự án KĐT văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. 

PV: Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015 và sắp tới đây sẽ chính thức tham gia “sân chơi” TPP đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Theo ông, doanh nghiệp BĐS Việt Nam cần chuẩn bị những gì để phát triển và hội nhập?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Việc gia nhập các “sân chơi” lớn trên thế giới chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị chung toàn cầu. Nhà nước cũng sẽ phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp với các quy định chung của các tổ chức, Hiệp định đã ký kết. Riêng với doanh nghiệp BĐS Việt Nam cũng sẽ có áp lực phải thay đổi công nghệ để bắt kịp với công nghệ của các doanh nghiệp BĐS nước ngoài. Một tin vui là hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp BĐS Việt Nam đều đã sở hữu và làm chủ được các công nghệ thiết kế, thi công xây dựng hiện đại, tiên tiến với 95% các tòa nhà lớn, hiện đại đều được người Việt Nam thiết kế, xây dựng và quản lí vận hành. Khi lập dự án các KĐT, các doanh nghiệp cũng phải chú ý xây dựng đầy đủ, đồng bộ các tiêu chí về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó, chú trọng đến yếu tố không gian, môi trường sống trong lành, thoáng mát. Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS cũng cần chủ động bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề, năng suất cho người lao động để các dự án được hoàn thành đúng tiến độ, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Yếu tố con người tôi cho là cũng rất quan trọng để giúp cho doanh nghiệp BĐS Việt Nam hội nhập và phát triển.            

PV: Để doanh nghiệp BĐS Việt Nam kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả hơn, ông có kiến nghị gì với các nhà hoạch định chính sách?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Việt Nam là nước đang phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu mua nhà để ở của người dân vẫn rất lớn. Khi tham gia vào các Hiệp định Á – Âu, AEC, TPP, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài khi đến Việt Nam làm ăn, sinh sống cũng như lượng nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường cũng đang tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, có thể thấy BĐS là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng và là một mũi nhọn của nền kinh tế. Nhà nước cần có một chiến lược phát triển BĐS phù hợp với từng giai đoạn của thị trường, đưa ra những chính sách, cơ chế thông thoáng, thúc đẩy thị trường như các gói kích cầu, các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp BĐS có thể tiếp cận về đất đai, về vốn và mua – bán được thuận lợi. Các doanh nghiệp BĐS Việt Nam cũng cần có định hướng, nhạy bén phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển.         

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

     Thúy Hằng - Quyết Thắng (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội: Năm 2016, thị trường BĐS tiếp tục khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO