Ổn định cuộc sống khi về già nhờ BHXH

Mỹ Anh| 20/05/2022 09:03

Từ mức tích lũy nhỏ, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định sẽ được hưởng 3 quyền lợi chính là: Chế độ hưu trí, tử tuất và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc đều được tham gia BHXH tự nguyện.

"Gieo hạt" BHXH tự nguyện

Ông Dương Văn Khương, ở thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) cho hay, năm 1995, ông làm việc tại UBND thị trấn Cao Lộc, được tham gia BHXH bắt buộc. Khi nghỉ việc, ông có tổng thời gian tham gia BHXH bắt buộc hơn 12 năm. Lúc đó, ông có ý định hưởng BHXH một lần để kiếm ít vốn làm ăn, nhưng vợ can ngăn nên chốt sổ để lại. 

“Năm 2008, tìm hiểu chế độ BHXH tự nguyện, tôi đã đăng ký tham gia cộng nối vào thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó. Đến tháng 10/2018, tôi đã có sổ hưu, được cấp thẻ BHYT, thật may mắn vì đã nghe lời vợ”, ông Khương nói.

Là vợ ông Khương, bà Nông Thị Ngoan chia sẻ: “Lúc ông ấy nghỉ việc, gia đình khó khăn nên tôi cũng rất đắn đo, cân nhắc việc hưởng BHXH một lần. Nhưng nghĩ tiếc 12 năm công tác được đóng BHXH và nhất là từ kinh nghiệm bản thân mà tôi khuyên chồng không nên lĩnh một lần”.

Nói về kinh nghiệm của mình, bà Ngoan kể, thời trẻ, bà tham gia bộ đội, sau đó chuyển qua làm ở ngành Thương nghiệp của tỉnh. Đến năm 1993, bà nghỉ việc sau mười mấy năm công tác và nhận chế độ 1 lần với số tiền gần 700.000 đồng. Khi đó, số tiền này cũng giúp bà làm được một số việc nhưng chẳng được bao lâu vì bà không còn thu nhập, chế độ gì.

Số tiền lương hưu hàng tháng 1,8 triệu đồng, tuy không quá nhiều nhưng ông Khương, bà Ngoan thấy vui vì đỡ phải dựa vào con cháu. Cạnh đó, với thẻ BHYT, ông có điều kiện đi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn, không lo tạo gánh nặng cho con cái.

bhxh-tu-nguyen.jpg
Ảnh minh họa

Chính sách BHXH tự nguyện là sự lựa chọn đúng đắn để lao động trẻ tích luỹ cho tương lai. Theo Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng). 

Từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).

Người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, mức đóng theo tỷ lệ 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Phương thức đóng BHXH tự nguyện rất linh hoạt. Người tham gia có thể lựa chọn đóng định kỳ: Hàng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần hoặc nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần). 
Đồng thời, có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. 
Việc tham gia loại hình bảo hiểm này cũng rất dễ dàng thuận lợi. Theo đó, để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể ở nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu (UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể…).

An tâm khi về già

Từ mức tích lũy nhỏ, người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định hiện hành sẽ được hưởng 3 quyền lợi chính là: Chế độ hưu trí, tử tuất và cấp thẻ BHYT miễn phí.

Cụ thể, về chế độ hưu trí, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi đóng đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. 

Tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2022 cụ thể như sau: Nam đủ 60 tuổi 6 tháng, sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng, tuổi nghỉ hưu với lao động nam sẽ đạt 62 tuổi vào năm 2028; nữ đủ 55 tuổi 8 tháng, sau đó, mỗi năm tăng thêm 4 tháng, tuổi nghỉ hưu với lao động nữ sẽ đạt 60 tuổi vào năm 2035.

Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Mức hưởng lương hưu được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH: Lao động nam là 20 năm; lao động nữ là 15 năm. 

Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động cả nam và nữ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. “Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH”, BHXH Việt Nam cho biết.

Người tham gia BHXH tự nguyện khi đến tuổi hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe, với mức quyền lợi hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh là 95% (cao hơn mức hưởng của người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình - 80%).

Bên cạnh đó, người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng quyền lợi về chế độ tử tuất. 

Với ý nghĩa nhân văn và lợi ích thiết thực này, chính sách BHXH tự nguyện đang dần trở thành sự lựa chọn tối ưu với lao động tự do. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Ngọc Ánh, số người tham gia BHXH tự nguyện có xu hướng tiếp tục tăng dần qua các năm, tháng sau cao hơn tháng trước. 

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021. 

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022, ông Đào Việt Ánh cho biết, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định cuộc sống khi về già nhờ BHXH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO