Ô nhiễm tiếng ồn phá hủy đời sống sinh vật biển

Mai Đan | 05/02/2021 18:58

(TN&MT) - Các nhà khoa học cảnh báo, bên dưới bề mặt đại dương, một loạt tiếng ồn công nghiệp đang làm gián đoạn khả năng giao phối, kiếm ăn và thậm chí, trốn tránh những kẻ săn mồi của động vật biển.

Các loại cá ở rạn san hô Great Barrier ngoài khơi bờ biển Cairns, Australia. Ảnh: Reuters/ Lucas Jackson

Ngày 5/2, một tạp chí khoa học cho biết, với những con tàu lớn, những mũi khoan dầu và những vụ phát nổ địa chấn phục vụ khảo sát, con người đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan và âm thanh dưới nước, trong khi cá voi, cá heo và các loài động vật biển có vú khác đang dựa vào âm thanh để điều hướng.

Tác giả chính Carlos Duarte, một nhà khoa học hàng hải tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah ở Ả Rập Xê Út cho biết, thậm chí, có thể nghe thấy tiếng nứt của các sông băng tạo thành đại dương ở hai cực và tiếng mưa rơi trên mặt nước sâu dưới đáy biển. “Đó là một vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài, làm suy yếu các loài động vật, từ cá thể đến quần thể. Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng và có phạm vi toàn cầu”, ông Duarte nhấn mạnh.

Nghiên cứu cho biết các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến những tiếng ồn này và tác động của tiếng ồn, đặc biệt là ảnh hưởng đến rùa biển và các loài bò sát khác, chim biển, hải cẩu, hải mã và động vật có vú như lợn biển. Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã kêu gọi xây dựng một khuôn khổ quy định toàn cầu để giám sát và quản lý tiếng ồn đại dương.

Ông Duarte cho rằng, phần lớn tiếng ồn do con người gây ra sẽ dễ dàng giảm bớt. Chẳng hạn, các biện pháp như xây dựng mô hình chân vịt tàu và vỏ tàu êm hơn cũng như sử dụng kỹ thuật khoan không gây ra bong bóng nước và dao động dưới nước có thể giảm 50% ô nhiễm tiếng ồn. Việc thế giới sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn sẽ làm giảm nhu cầu khoan dầu và khí đốt.

Theo ông Duarte, những lợi ích đối với sinh vật biển có thể rất lớn, đồng thời, ông ghi nhận sự hồi sinh của hoạt động biển trong tháng 4/2020, khi tiếng ồn vận chuyển trên biển giảm dần do các quốc gia đóng cửa trong đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, con người không chỉ làm tăng thêm tiếng ồn cho đại dương mà còn loại bỏ âm thanh tự nhiên. Chẳng hạn, hoạt động săn bắt cá voi vào những năm 1900 đã xóa sổ hàng triệu con cá voi khỏi các đại dương trên thế giới.

Biến đổi khí hậu cũng đã làm thay đổi âm thanh ở các vùng đại dương đang ấm lên bằng cách thay đổi sự kết hợp của các loài động vật sống ở đó, cùng với tiếng ồn mà chúng tạo ra.

Theo Tổng hợp từ Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm tiếng ồn phá hủy đời sống sinh vật biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO