Môi trường

Nuôi trồng và chế biến thủy sản ở Bạc Liêu: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Lê Hùng 02/11/2023 - 10:12

(TN&MT) - Những năm gần đây, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu, nhưng đồng thời cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Do vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ môi trường, góp phần đưa ngành kinh tế mũi nhọn này phát triển theo hướng nhanh, bền vững.

Nhiều tác động đến môi trường

Báo cáo của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tính đến tháng 6/2023, địa phương này có khoảng 25 tổ chức và 832 hộ dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hơn 40 nhà máy chế biến thủy sản lớn, nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản. Trong thời gian qua, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản đã phát triển mạnh và mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho tỉnh Bạc Liêu. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, đó chính là vấn đề về ô nhiễm môi trường.

14.jpg
Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm ra giải pháp xử lý chất thải hiệu quả trong nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng và chế biến thủy sản đã kéo theo nhiều tác nhân gây biến động môi trường với quy mô ngày càng lớn và rất đa dạng. Trong đó, lo ngại về tác động môi trường của lượng nước thải chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ từ các ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ngày càng hiện rõ và đáng báo động.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, khi người dân địa phương đào đắp ao nuôi thủy sản, nạo vét kênh rạch để cấp, thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình oxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt, từ đó làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm và dịch bệnh trên tôm, cá trong quá trình nuôi.

Hiện nay, mặc dù lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang phát triển nhanh, nhưng tỉnh Bạc Liêu hiện vẫn chưa có quy hoạch chi tiết đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh nên tình trạng nuôi tự phát và xen kẽ trong khu dân cư ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng.

Đồng thời, hệ thống thủy lợi như kênh cấp thoát nước cũng chưa được đầu tư đồng bộ và chưa có kênh cấp, thoát nước riêng nên dễ xảy ra tình trạng dịch bệnh hoặc ô nhiễm môi trường nước do hộ dân xả thải chưa qua xử lý xuống sông, kênh rạch. Ngoài ra, việc xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với loại hình này còn ít, chưa đủ răn đe, do đa số các hộ nuôi tôm siêu thâm canh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, cấp xã.

Hiện tại, đa số các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng đều chưa đáp ứng các điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, đặc biệt là các điều kiện phải có nơi chứa bùn thải, phải có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt và việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản chưa được các cơ sở và hộ nuôi tôm quan tâm thực hiện...

Tập trung thực hiện các giải pháp

Bạc Liêu được đánh giá là một trong những địa phương có lợi thế phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản và thực tế trong những năm qua, ngành thủy sản đã từng bước phát triển và khẳng định giá trị đóng góp trong tổng thu nhập của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ngày càng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

14c.jpg
Sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đã và đang kéo theo nhiều tác nhân gây biến động môi trường

Để góp phần phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ngày càng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; phân cấp công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải phát sinh trong nuôi trồng và chế biến thủy sản; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công khai địa điểm xả thải có sự giám sát của cộng đồng và hướng dẫn thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn, nước thải và hiện đã công khai địa điểm xả thải được 20 công ty; tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai công tác quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để không còn tình trạng nuôi xen kẽ, tự phát khó kiểm soát; phát triển hạ tầng thủy lợi đồng bộ tại các vùng nuôi tôm tập trung, các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm đảm bảo kênh cấp, thoát nước riêng biệt, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu còn tập trung thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình thẩm định, trình UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh, đặc biệt là với loại hình nuôi trồng và chế biến thủy sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản cố tình xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.

Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, ghi nhận các mô hình, công nghệ, giải pháp phục vụ cho việc xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Đơn cử như mới đây, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội thảo Khoa học "Xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng và chế biến thủy sản" với sự tham dự của 107 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực môi trường tỉnh Bạc Liêu; các chuyên gia, nhà khoa học của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học; các doanh nghiệp...

Tại Hội thảo trên, đại diện của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học cũng đã chia sẻ, giới thiệu nhiều mô hình, giải pháp công nghệ tiên tiến về xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản như áp dụng quy trình xử lý nước thải bằng công nghệ ủ yếm khí kết hợp ao sinh học đối với nước thải từ ao nuôi tôm; quy trình xử lý nước thải bằng công nghệ keo tụ, tuyển nổi kết hợp với sinh học hiếu khí đối với nước thải từ chế biến thủy sản để gia tăng hiệu quả xử lý nước thải đầu ra đạt yêu cầu xả thải của QCVN 40:2011/BTNMT và QCVN 11-MT:2015/BTNMT...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi trồng và chế biến thủy sản ở Bạc Liêu: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO