Nước sinh hoạt cho người dân miền núi các tỉnh miền Trung - Bài 5: Giữ rừng để giữ nguồn nước

Lan Anh – Văn Dinh | 29/05/2022, 17:02

(TN&MT) - Chưa bao giờ, thiếu nước sinh hoạt lại trở thành nỗi ám ảnh người dân vùng cao như 3 năm gần đây. Bên cạnh các giải pháp công trình, các địa phương ở miền Trung đã tính đến câu chuyện nâng cao ý thức cho bà con giữ rừng để bảo vệ nguồn nước. Đây được xem là giải pháp phi công trình nhưng đem lại hiệu quả lâu dài để “sống chung” với nguy cơ thiếu nước.

Bảo vệ nguồn nước

Gia đình anh A lăng Đội ở thôn Rabhươp, xã A Tiêng, huyện miền núi Tây Giang có 3ha trồng keo lá tràm. Khu rừng này có con suối ngang qua và gia đình anh bắt đường ống dẫn nước về nhà để sinh hoạt. Cuộc sống phụ thuộc vào nguồn nước tự chảy từ khe, suối ở rừng nên hơn ai hết anh Đội cùng bà con luôn hiểu và ra sức bảo vệ rừng để gìn giữ nguồn nước của mình. Anh Đội chia sẻ: Từ ngày thôn có lò đốt rác, bà con nhắc nhở nhau không vứt rác xuống sông suối, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm vì đây là lợi ích chung. Ngoài ra, bà con cũng hạn chế trồng keo vì nghe bảo loại cây này hút nước nhiều, làm thiếu hụt nước.

bai5-h1.jpg
Đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang tuần tra, bảo vệ rừng

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho hay, địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn lực khá để đầu tư cho các công trình cấp nước, tuy nhiên câu chuyện quản lý và nâng cấp là cái khó chung. Ngoài ra, việc suy kiệt nguồn cung cấp nước khiến nhiều công trình không thể tái sử dụng. Phương án dài hơi là cần bảo vệ rừng để giữ nguồn nước. Thực tế từ những khảo sát của địa phương thời gian qua cho thấy, rừng tự nhiên có vai trò rất lớn trong việc giữ nước. Vì thế, địa phương tích cực tuyên truyền để người dân chuyển đổi cơ cấu rừng trồng sang các loại cây lâu năm như lim, dổi, quế… vừa có giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ rừng đầu nguồn.

“Đồng bào Cơ Tu có truyền thống giữ rừng là một lợi thế lớn trong việc tuyên truyền vận động bảo vệ rừng. Hàng năm đồng bào đều tổ chức Lễ tạ ơn rừng qua. Việc này góp phần đặc biệt quan trọng để giữ được nguồn nước trong cộng đồng, đặt vào bối cảnh BĐKH ngày càng khắc nghiệt, khó lường như hiện nay” – ông Linh cho hay.

bai5-h2.jpg
Trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để giữ nguồn nước

Song song với việc tuyên truyền bà con hạn chế trồng keo, địa phương cũng áp dụng các giải pháp nghiêm ngặt để người dân đốt rừng làm nương rẫy, tác động vào rừng. Muốn được như vậy phải tạo được sinh kế bền vững cho người dân. Hiện nay địa phương đang xây dựng phương án trồng cây dược liệu dưới tán rừng xen lẫn với các loại cây lâu năm, xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác gắn với giữ rừng.

Tăng độ che phủ rừng

Rừng như một đặc ân của Mẹ thiên nhiên ban cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở dọc dãy Trường Sơn. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước trên các sông, suối cạn kiệt theo từng năm là do những cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá trái phép và người dân đốt nương làm rẫy. Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy rừng đầu nguồn có vai trò lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, cân bằng về mặt sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiên tai, lũ lụt. Ở các khu vực rừng rậm có thảm mục và lớp mùn khá dầy, khả năng lưu giữ lượng nước mưa rất lớn. Tại đây, lượng nước mưa rơi xuống chảy ra khỏi rừng chỉ có từ 3% đến 34%. Rừng trở thành "hồ chứa tự nhiên" có tác dụng trữ nước vào mùa mưa và là nguồn cung cấp nước cho sông suối vào mùa khô.

“Nếu rừng bị suy thoái, chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước cho người dân tại chỗ và người dân vùng hạ lưu, chưa nói đến rủi ro về thiên tai, lũ lụt. Chẳng hạn như ở Tây Nguyên hay chính tại Quảng Nam, nơi nào phá rừng nhiều thì nguồn nước bất ổn, nơi nào rừng được bảo vệ thì nước có quanh năm. Quan trọng giữ được rừng đầu nguồn, nhất là rừng tự nhiên, đòi hỏi phải có sự chung tay của chính quyền, cộng đồng người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường.” – PGS. TS Lê Anh Tuấn cho hay.

bai5-h3-1.jpg

Với tình hình biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng nóng lên, khô hạn kéo dài thì vấn đề giữ nguồn nước là rất quan trọng với người dân vùng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, hồ nước vĩ đại nhất chính là rừng. Cũng do mất rừng mà đất suy thoái, khả năng giữ nước, điều tiết dòng chảy bị suy giảm mạnh, gây nhiều tai hoa với cuộc sống cộng đồng. Với tình hình biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng nóng lên, khô hạn kéo dài thì vấn đề bảo vệ rừng để giữ nguồn nước là rất quan trọng với người dân vùng cao.

"Một trong những giải pháp của địa phương là làm tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ đó khuyến khích và tạo sự đồng thuận của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng. Ở A Lưới, các cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên và trồng các cây lâu năm, cây dược liệu, bản địa... họ làm rất tốt qua đó góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ, bảo vệ nguồn nước tại các sông, suối trên địa bàn", ông Hùng nói.

Khu vực miền Trung hiện có gần 4 triệu ha rừng tự nhiên. Nó không những là nguồn sống căn bản của người dân miền núi, là mạch nguồn văn hóa của các dân tộc bản địa bao đời nay mà còn là mái nhà chung bảo vệ các nguồn nước an lành cho cả đồng bào dân tộc thiểu số dọc dãy Trường Sơn và vùng đồng bằng và duyên hải miền Trung. Nếu không bảo vệ và sớm phục hồi, tái tạo lại rừng đã bị tàn phá, về lâu dài, tình trạng thiếu nước sẽ còn khốc liệt hơn hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO