Nước sạch nông thôn: Tiêu chí quan trọng để giảm nghèo

Thủy Nguyễn| 14/03/2023 18:37

(TN&MT) - Xác định nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng triển khai Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn, tập trung đầu tư công trình cấp nước sạch nhằm từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho dân cư nông thôn, giảm bệnh tật, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nước sạch – chỉ số đo lường đánh giá mức độ nghèo đa chiều

Nước sạch và vệ sinh môi trường là điều kiện tối thiểu cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của con người. Tháng 7/2010, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết về quyền của con người được sử dụng nước sạch và hệ thống vệ sinh trong sinh hoạt. Cùng với đó, một Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã chỉ ra tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh đối với công tác xóa đói, giảm nghèo. Đây cũng là một chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học và xã hội cho thấy, tình trạng không có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, do vi khuẩn vi rút, ký sinh trùng từ phân người nhiễm vào đất, nước, không khí làm phát sinh nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là sự phát triển về thể chất và tương lai của thế hệ trẻ.

Mặt khác, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 37,5 - 50% nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, giun sán, đường ruột, giảm được nhiều chi phí và tổn thất về sức khỏe, hạn chế tình trạng trẻ em thấp còi, góp phần nâng cao thể chất và sự phát triển toàn diện của con người, vừa tạo ra môi trường thôn bản văn hóa lành mạnh, văn minh.

anh-1.jpeg
Ở nhiều địa phương, người dân phải sử dụng nước sông suối, bất chấp lo ngại về sức khỏe

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này.

Hơn nữa, theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn.

Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2045, 100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững

Thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc tăng độ bao phủ về cấp nước sạch và vệ sinh. Khả năng tiếp cận nguồn nước đã cải thiện tăng lên trên toàn quốc. Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Cụ thể, sau 40 năm, từ khi được sự hỗ trợ của UNICEF vào năm 1982, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 10% năm 1982 tăng lên gần 90% năm 2019, 51% sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT, 44% dân số nông thôn (28,5 triệu người) được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người), sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.

Đặc biệt, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Điều này thể hiện sự quan tâm và là quyết tâm của Chính phủ về Chương trình nước sạch nông thôn.

Bên cạnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là bước đột phá để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn. Trong đó, Chiến lược đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

dt_15420211510_4.jpg
 Nhiều công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư đã đáp ứng yêu cầu cung cấp nước sạch cho bà con dân tộc miền núi

Theo Chương trình, mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 lít/ngày. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể. Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.

201310_9-12-nuocsach.jpg
Bà con hân hoan đón nguồn nước sạch về

Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược này thành công, theo các chuyên gia, việc đầu tư phải đủ và triển khai có chọn lọc theo đặc thù của từng vùng miền, địa phương; phải có cam kết mạnh mẽ để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa chiều với sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, khi thị trường dịch vụ nước sạch hiện còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành… thì rất cần có một luật riêng cho thị trường nước. Qua đó, có thể điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý chất lượng nước sinh hoạt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân ở cả đô thị và nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sạch nông thôn: Tiêu chí quan trọng để giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO