Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền Trung - Bài 2: Vùng cao lao đao vì thiếu nước

Anh Bình Dinh | 07/05/2022, 16:06

(TN&MT)- Nắng nóng, nước ngày càng khan hiếm. Để có nước sinh hoạt, người dân các huyện vùng cao ở miền Trung phải tận dụng từng bình chứa, băng rừng lên tận suối nơi đầu nguồn để lấy nước về dùng hoặc sử dụng nước mưa, thậm chí là nước giếng chưa qua xử lý bị nhiễm phèn, bẩn.

Chật vật tìm nước 

Huyện miền núi Nam Đông được xem như “chảo lửa” ở Thừa Thiên - Huế, nhiệt độ ở đây luôn cao hơn đồng bằng 3 - 4 độ C. Hiện nay, đồng bào dân tộc ở 5 xã vùng cao là Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Giang và Hương Nhật đang thiếu nước sạch sử dụng trầm trọng. Trừ Hương Hữu còn nguồn nước dự trữ ở thôn Khe Vôn, bà con 4 xã còn lại với hơn 2.000 hộ dân đang phải sử dụng nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào chưa qua xử lý, thường xuyên bị nhiễm phèn, chua.  

Để đối phó tạm thời, huyện Nam Đông đã đầu tư kinh phí để đào, khoan giếng phục vụ ưu tiên tại trạm y tế và các học sinh bán trú trong các trường học. Đối với các hộ dân, huyện tích cực vận động người dân nạo vét, cải tạo các giếng nước đã có để giải quyết nhu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy vậy, dù khoan giếng sâu vẫn không thể tìm được mạch nước nào phục vụ bà con. 

bai2-h1.jpg
Người dân vùng cao huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khoan giếng để tìm nước ngầm 

Ông Hồ Văn Mão (xã Thượng Long) chia sẻ, cả xóm có hơn 30 hộ dân, có 2 cái giếng nhưng hiện đã cạn đáy. Hàng ngày, ông và những hộ dân ở đây phải dậy thật sớm, lên các khe, suối cách nhà hơn 3km mới lấy được ít nước về để dung. Nếu đi muộn, trâu, bò xuống tắm làm đục suối, nguồn nước không dùng được. 

“Ở trong xã phải đi múc nước suối, buổi sáng cả tiếng đồng hồ chưa tới nữa... rất cực khổ cho bà con. Hiện nay, trên đầu nguồn khô cạn nhiều quá, đi kiểm tra nước tự chảy là không sử dụng được, cho nên bà con vất vả lắm”, ông Mão nói. 

Còn ở thôn Tre, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, dù mới bước vào những ngày nắng nóng đầu mùa nhưng hàng chục hộ dân đã bắt đầu những ngày khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân có nhà trên dốc cao phải dùng can nhựa xuống những nhà phía dưới, gần đường lớn để xin nước về dùng. Lượng nước lấy về chỉ dám dùng cho ăn uống, còn tắm giặt thì lại ra sông suối. 

Anh Hồ Văn Thuyền ở thôn Tre cho biết: Hàng ngày, anh phải dậy từ 3 - 4h sáng đi lấy nước ở thôn lân cận về ăn uống. “Mấy ngày qua, trời có mưa dông vào buổi chiều nên mọi người tranh thủ lấy xô, chậu ra hứng nước để dùng chứ không mưa là không có nước để dùng” - anh Thuyền lo lắng. 

Trước tình hình thiếu hụt nước sinh hoạt nghiêm trọng, các địa phương ở miền núi xã xã Chà Vàl, người dân xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng lên phương án đào, khoan giếng để lấy nước ngầm. Thế nhưng, việc khoan giếng cũng gặp nhiều trở ngại do địa chất nhiều đá núi, mạch nước ngầm suy giảm, không đủ cung cấp cho bà con. 

“Đỏ mắt” chờ nước sạch  

20 năm nay, 17 hộ cùng 63 nhân khẩu dân tộc Bana về sinh sống tại xóm Trà Hương, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định nhưng vẫn không có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt hàng ngày cho gia đình, người dân tự đào giếng khoan rồi dùng mô tơ bơm nước từ giếng lên chứa vào các bể nước để dùng sinh hoạt. Thế nhưng, nguồn nước giếng này thường xuyên bị vàng đục, nhiễm phèn nổi váng có mùi hôi không thể sử dụng ăn, uống mà chỉ dùng để tắm, giặt và phục vụ tưới tiêu. 

Để có nguồn nước sinh hoạt, hàng ngày bà con phải lên suối tự nhiên ở đầu nguồn cách xóm Trà Hương khoảng 2km và gánh bộ nước về nhà chứa vào các bình nước trữ dùng dần. Cứ thế bà con đã sống như vậy với nguồn nước suối tự nhiên kéo dài nhiều năm qua.

bai2-h2.jpg
Để có nước sinh hoạt người dân ở xóm Trà Hương, thôn Đại Khoang, xã Cát Lâm phải vượt quãng đường xa đi lấy nước tại suối Ngang 

Mỗi ngày, bà Đinh Thị Thoái, ở xóm Trà Hương, thôn Đại Khoang, xã Cát Lâm  phải lặn lội đi gom từng can nước  ở suối Ngang nằm ở dưới vực sâu để trữ trong nhà, phục vụ sinh hoạt. “Đi lấy nước vừa xa vừa nguy hiểm nhưng không lấy nước suối về ăn, uống thì không biết dùng nước ở đâu để sinh hoạt. Bà con ở đây chủ yếu làm nương rẫy, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống khó khăn không thể mua nước bình về dùng, chỉ có lấy nước suối Ngang về sinh hoạt tạm qua ngày thôi.” – bà Thoái cho biết.  

Ông Trương Ngọc Hạnh – Chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho hay: Ở trong làng Trà Hương, người dân có đào 2 cái giếng và có bồn chứa nước nhưng 2 giếng đều bị nhiễm phèn vàng đục và nguồn mạch nước không có nên đành bỏ giếng vì không thể sử dụng. UBND xã đã kiến nghị nhiều lần với các cấp chính quyền cao hơn. Ban Dân tộc, UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện Phù Cát về khảo sát nhưng vẫn chưa thấy đầu tư xây dựng. Hiện bà con dùng nước mạch ở đầu nguồn con suối để sinh hoạt hàng ngày. Vừa rồi cũng có dự án cấp nước sinh hoạt cho các xã Tây Bắc huyện Phù Cát nhưng vẫn chưa thấy triển khai, bà con mong ngóng có nước sạch sinh hoạt nhiều năm nay rồi.  

Mới đây, trong nội dung trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi dến sau Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dự án cấp nước sinh hoạt các xã Tây Bắc huyện Phù Cát; địa điểm xây dựng tại xã Cát Sơn, phạm vi cấp nước cho các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp với công suất 3.200m3/ngày,đêm. Người dân ở Trà Hương đang ngong ngóng từng ngày công trình cấp nước được triển khai để sớm tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không còn cảnh lao đao tìm nước mỗi khi vào mùa khô.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO