NPAP nền tảng giải quyết hiệu quả ô nhiễm nhựa

Linh Chi - Khải Minh| 29/12/2020 10:00

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa tổ chức Lễ khởi động Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (NPAP). Việc khởi động NPAP tại Việt nam là một bước tiến cực kỳ quan trọng, đưa Việt Nam chính thức trở thành một trong 3 quốc gia đầu tiên trên thế giới (cùng với Indonesia và Ghana) áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã được nghe 6 bài phát biểu, tham luận trực tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng thế giới, WWW Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Tập đoàn Vingroup và 3 bài phát biểu, tham luận trực tuyến của Tổ chức Liên minh chấm dứt rác thải nhựa, chuyên gia tư vấn quốc tế. Đồng thời, các đối tác chiến lược trên cũng cam kết đồng hành và hỗ trợ NPAP.

NPAP Việt Nam sẽ trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa

Khởi động Chương trình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa với nhiều trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và công nghiệp lớn phát triển với tốc độ ngày càng cao. Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người. Mức tăng trên cho thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm của ngành nhựa trong nước ngày một tăng lên. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa, túi ni lông. Rác thải nhựa không chỉ là hiểm họa đối với Việt Nam mà đang đe dọa đến môi trường toàn cầu.

Nhằm giải quyết thách thức nghiêm trọng về rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết Ý định thư liên quan đến xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Việc khởi động Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam là một trong những nội dung hợp tác giữa 2 bên; là sự khẳng định của các nhà hoạch định chính sách môi trường hàng đầu Việt Nam, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc cùng phối hợp triển khai nền tảng hợp tác hành động mới giúp Việt Nam giảm thiểu đáng kể dòng chất thải nhựa ra môi trường đất liền và đại dương; xây dựng lộ trình loại bỏ nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy, đặc biệt tại các đô thị, khu du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển. Đây cũng là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.

“Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa sẽ tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế song phương và đa phương nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa, đồng thời thúc đẩy mô hình sản xuất, tiêu dùng nhựa bền vững thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn về nhựa. Qua đó, Việt Nam sẽ góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa” - Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Bà Kristin Hughes - Giám đốc Chương trình Đối tác toàn cầu về nhựa, thành viên Ủy ban Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng kỳ vọng những bài học và thành công từ NPAP Việt Nam. Bà cho rằng, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những quốc gia sớm áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa. “Thông qua sự hợp tác này, chúng tôi rất vui mừng đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Việt Nam – một mối quan hệ dựa trên mong muốn chung nhằm triển khai các mô hình tuần hoàn bền vững hơn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú của Việt Nam và bảo vệ sinh kế của người dân Việt Nam. Tôi kỳ vọng những bài học và thành công từ Chương trình Đối tác sẽ cung cấp thông tin, xúc tác cho các sáng kiến tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương” - Bà Kristin Hughes nói.

Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa, túi ni lông. Ảnh: MH

Hành động mạnh mẽ, trách nhiệm để giảm thiểu rác thải nhựa

Đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tích cực phối hợp để triển khai sáng kiến NPAP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, sáng kiến Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả chất thải nhựa. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của ASEAN về bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để NPAP được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững. Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu.

Để thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức về quản lý, sử dụng bền vững các sản phẩm nhựa. Hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa vì mục tiêu đại dương không rác thải nhựa, Trái đất xanh không ô nhiễm nhựa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng kêu gọi các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NPAP nền tảng giải quyết hiệu quả ô nhiễm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO