"Nóng" việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép vùng giáp ranh

03/11/2017 00:00

(TN&MT) – Chiều 3/11,  UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Bà Rịa – Vũng Tàu đã ngồi...

 

(TN&MT) – Chiều 3/11,  UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Bà Rịa – Vũng Tàu đã ngồi lại cùng nhau bàn về việc xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các vùng giáp ranh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Từ năm 2013 đến nay, TP.HCM  không cấp phép khai thác khoáng sản cho bất kỳ một đơn vị nào. Tuy nhiên,  hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 05 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy được chấp thuận chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải có tận thu khoáng sản (cát) để bù chi phí.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Trên sông Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn  và vùng biển Cần Giờ được đánh giá là nơi có trữ lượng cát san lấp khá lớn và là tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng và san lấp từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP.HCM nói riêng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung. Những năm gần đây, do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát xây dựng, cát san lấp dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở những vùng giáp ranh này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an ninh khu vực.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã bắt giữ và xử lý 62 vụ khai thác cát trái phép với 199 đối tượng, 132 phương tiện, xử phạt hành chính với số tiền là 7,7 tỷ đồng tịch thu phương tiện và tang vật với giá trị khoảng 20 tỷ đồng (trong đó chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Cần Giờ: 42 vụ; quận 9: 10 vụ; huyện Củ Chi: 02 vụ và huyện Nhà Bè: 04 vụ).

Bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Ảnh: TTXVN
Bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép thường lợi dụng các khu vực có địa hình phức tạp (địa bàn sông nước, ngoài biển gây khó khăn trong công tác kiểm tra, truy đuổi và ngăn chặn). Vì lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép  lớn nên các  đối tượng khai thác trái phép sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, đánh chìm phương tiện vi phạm khi bị phát hiện, truy đuổi.

Đặc biệt,  theo các đại biểu tham dự cuộc họp, các quy định về xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trái phép hiện nay còn khá lỏng lẻo. Trong đó, không quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép  (Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ) nên rất khó truy xuất nguồn gốc khai thác cát trái phép.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng:  Hiện nay, quy định khai  thác trái phép 50 m3 trở lên mới tịch thu phương tiện, còn không chỉ xử phạt hành chính là không đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017,  Đồng Nai đã xử lý 60 trường hợp, tịch thu 12 ghe bơm hút cát. Các đối tượng thường khai thác trái phép thường hoạt động vào đêm khuya và rất manh động, chống trả quyết liệt ngay cả lực lượng công an. Trong khi đó, mức xử lý hành chính hiện nay còn  thấp, các đối tượng chỉ cần khai thác khoảng  5- 10 m3 mỗi đêm là có thể dư mức đóng phạt.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai

Bên cạnh đó, thời gian qua, chưa có sự phối hợp giữa các địa phương trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đơn cử như  vùng biển Cần Giờ, các đối tượng dùng xà lan tải trọng 500- 1000 tấn có gắn thiết bị bơm hút để khai thác cát trái phép. Các xà lan này  hầu hết neo đậu ở địa phận tỉnh Bà Rại – Vũng Tàu. Với đặc điểm vùng biển rộng, giáp ranh nhiều tỉnh nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện và truy đuổi, thì các đối tượng khai thác cát trái phép bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau nên TP.HCM rất  khó khăn trong công tác truy bắt.

 Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cũng chia sẻ: Việc khai thác cát tại lòng  Dầu Tiếng hiện nay khá “nóng”. Trong khi phía Bình Dương không cấp giấy phép khai thác nhưng Tây Ninh lại cấp phép khai thác cát tại lòng hồ này. Cho nên, phía Bình Dương rất khó xác định đâu là có phép, đâu là không phép.  Nhưng, sau đó,  hầu  như toàn bộ cát được khai thác tại lòng hồ Dầu Tiếng lại được đưa lên bến bãi ở địa bàn  Bình Dương và vận chuyển đi các địa bàn khác tiêu thụ.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương

Ngoài ra, các địa phương cũng cho rằng, các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy có tận thu khoáng sản (cát) để bù chi phí do Bộ Giao thông vận tải cấp phép có rất nhiều “vấn đề”.  “Có trường hợp lợi dụng đem máy móc, thiết bị trà trộn vào phạm vi dự án để khai thác cát trái phép;  hay như chỗ nào có cát thì làm, chỗ nào cần nạo vét thì lại không làm” – ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An bức xúc.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian tới, các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, việc giao việc này  cho các sở ngành chuyên môn là rất khó xử lý dứt điểm, mà cần phải có  lực lượng phản ứng nhhanh như  công an, bộ đội biên phòng chủ trì, có sự phối hợp với các đơn vị có liên quan.

Các địa phương này cũng thống nhất, mỗi tỉnh, thành phố cần lập một Tổ công tác xử lý khai thác cát trái phép và thông báo công khai số điện thoại của Tổ trưởng mỗi tỉnh để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý trong tình huống khẩn cấp.

Đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM kiến nghị tịch thu phương tiện và tăng mức xử phạt cho hành vi này. Theo vị này, hành vi trộm cắp 2 triệu đồng đã bị truy tố, nhưng khai thác tài nguyên đất nước  tới cả trăm triệu đồng lại không bị truy tố mà chỉ bị xử lý hành chính.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, vì mức độ nguy hiểm của việc khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng, tác động lớn đến an ninh trật tự - xã hội nên phải xác định cát xây dựng là một sản phẩm đặc thù chứ không thể coi là một loại hàng hóa thông thường được.

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu kết thúc Hội nghị
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu kết thúc Hội nghị

Vì vậy,  cần thống nhất kiến nghị Bộ Tài chính ban hành hóa đơn thống nhất trong  cả nước về loại hàng hóa này, tất cả đơn vị có giấy phép khai thác cát phải đăng ký hóa đơn, việc vận chuyển cũng phải có hóa đơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM  khẳng định: TP.HCM và các tỉnh giáp ranh sẽ khắc phục các vấn đề tồn tại, tăng cường phối hợp xử lý có hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép, giám sát các dự án nạo vét luồng lạch. Trước mắt, các địa phương sẽ  chỉ đạo Công an, Bộ đội Biên phòng  tổ chức chốt kiểm tra, tuần tra, mật phục, kiên quyết xử lý nhằm không để phát sinh các điểm nóng khai thác cát trái phép trên địa bàn.

 

5 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy do Bộ GTVT cấp phép trên địa bàn TP.HCM

+Dự án “Nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến luồng hàng hải sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai” do Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước thực hiện nạo vét, thời gian dự kiến hoàn thành vào cuối quý II năm 2019.

+ Dự án “Xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước” do Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác cảng tổ chức thực hiện nạo vét, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

+Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia (Đoạn từ Tắc Ông Cu đến ngà ba sông Thị Vải) do Công ty TNHH Đầu tư TMDV xuất nhập khẩu Hoàng Minh thi công nạo vét, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

+ Dự án xã hội hóa nạo vét, nâng cấp tuyến luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu – Tắc Bài đến sông Gò Gia theo hình thức tận thu sản phẩm nạo vét để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước do Công ty cổ phần đầu tư Hải Hưng Thịnh thi công nạo vét, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

+Dự án nạo vét luồng hàng hải sông Đồng Nai, đoạn từ mũi đèn đỏ đến rạch Ông Nhiêu theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước do Công ty TNHH Đầu tư TMDV xuất nhập khẩu Hoàng Minh tổ chức thực hiện nạo vét.

Nguyễn Quỳnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép vùng giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO