Nông dân Mang Yang mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Bài và ảnh: Ngọc Linh| 25/02/2020 15:43

(TN&MT) - Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện (Gia Lai) đã tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Theo ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Drjăng, hiện nay, đã có hàng chục hộ bắt đầu chuyển đổi cây trồng mong kiếm được thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, khi giá hồ hiêu giảm mạnh và dịch bệnh hoành hành, người dân cũng đã chủ động chuyển đổi sang trồng chanh dây và cây ăn quả.

anh-mo-hinh-trong-bap-ngot-cua-gia-dinh-ong-tran-van-dung.jpg
Mô hình trồng bắp ngọt của gia đình ông Trần Văn Dũng

Về phía chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện đã triển khai một số mô hình như: trồng mì giống KM140 tại xã Đê Ar; lúa lai Bio404 tại xã Ayun và xã Đak Jơ Ta; hỗ trợ giống bơ ghép cho người dân 2 xã A Yun và Đak Jơ Ta; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây hồ tiêu tại xã Lơ Pang; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa Đông Xuân tại xã H'Ra; mô hình thâm canh cây chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Kon Dơng; mô hình trồng cà phê TRS1 tại xã Lơ Pang; mô hình cải tạo vườn tạp hỗ trợ cây giống cà phê TRS1 cho các hộ dân tại xã Đê Ar và xã H'Ra...

anh-mo-hinh-trong-rau-trong-nha-luoi-cua-anh-pham-xuan-hung.jpg
Mô hình trồng dưa leo mini của anh Phạm Xuân Hưng

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Cơ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang, diện tích lúa rẫy chuyển đổi sang trồng bời lời, chanh dây, cà phê, hồ tiêu đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 - 50 triệu đồng/ha. Những diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây dài ngày khác cũng mang lại hiệu quả cao, giúp người nông dân có thu nhập ổn định hơn.

anh-nhieu-nong-dan-trong-xa-tham-quan-mo-hinh-trong-chuoi-tieu-hong-cua-gia-dinh-ong-truong-van-dong.jpg
Nhiều nông dân trong xã tham quan mô hình trồng chuối tiêu hồng của gia đình ông Trương Văn Đồng

Cũng theo ông Cơ, ngoài chuyển đổi cây trồng, người dân còn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên 1.748 ha cây trồng các loại. Huyện Mang Yang được UBND tỉnh phê duyệt triển khai 6 chuỗi sản xuất gồm: 2 chuỗi phát triển giá trị sản xuất gạo chất lượng cao, chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu xuất khẩu, chuỗi sản xuất cà phê xuất khẩu, chuỗi sản xuất cây mì và chuỗi giá trị sản xuất cây dứa, chanh dây.

anh-moi-buong-chuoi-tieu-hong-cho-tu-6-den-8-nai.jpg
Mỗi buồng chuối tiêu hồng cho từ 6 đến 8 nải

“Song hành với việc chuyển đổi cây trồng thì đầu ra cho sản phẩm cũng cần được quan tâm hàng đầu. Do đó, huyện cũng đã làm việc với một số nhà máy đứng chân trên địa bàn để nâng cao công tác liên kết với người dân trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, định hướng và khuyến cáo người dân khi chuyển đổi cây trồng cần phải gắn với việc hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy, gắn với thị trường tiêu thụ, đặc biệt chú trọng đến chuỗi liên kết và hợp tác trong sản xuất", ông Cơ cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Mang Yang mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO