Nỗi buồn "vàng trắng"

24/01/2016 00:00

(TN&MT)- Thời gian gần đây, người trồng cây cao su ở miền Tây xứ Nghệ đang “đứng ngồi không yên” khi mủ cao su rớt giá xuống quá thấp. Đã có rất nhiều nông trường cao su, vườn cao su đã bị bỏ hoang, hoặc cầm chừng không thu hoạch được, người trồng cao su bỏ xứ đi làm ăn xa...

Sống cơ cực vì giá rớt...thảm

Huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa (Nghệ An) là một trong những địa phương trồng cao su sớm nhất và nhiều nhất tại các huyện miền núi ở Nghệ An. Trong đó, nông trường Tây Hiếu là đơn vị trồng với diện tích lên đến hơn 500 ha.

Theo tìm hiểu của PV, những năm trước đây, mủ cao su được giá nên rất nhiều hộ dân xóm Nghĩa Hưng, xã Tây Hiếu (TX Thái Hòa) và người dân ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm...thuộc huyện (Nghĩa Đàn) đã làm đơn xin khoán đất của các nông trường nơi đây để đầu tư vào trồng cao su với hi vọng đổi đời từ loài cây vàng trắng này. Thế nhưng, từ cuối năm 2013 đến nay, giá mủ cao su liên tục rớt, khiến nhiều người dân đang sống nhờ vào cây “vàng trắng” hết sức hoang mang, lo lắng.

Những vươn cao su bạt ngàn của người dân ở miền Tây xứ Nghệ
Những vườn cao su bạt ngàn của người dân ở miền Tây xứ Nghệ

Chúng tôi có mặt tại xóm Nghĩa Hưng, xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa, ông Nguyễn Đức Tiến, người nhận khoán hơn 1 ha cao su từ Nông trường Tây Hiếu 1, buồn bã tâm sự: “Mấy năm trước giá mủ cao su được giá nên cả 5 người trong gia đình tôi đều hàng ngày ra vườn chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. Lúc đó, gia đình chúng tôi cũng có của ăn của để. Nhưng mấy năm trở lại đây, giá mủ cao su rớt thê thảm, nên hai người con lớn của tôi đành phải vào các khu công nghiệp trong miền Nam để đi làm kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tôi cũng bàn với vợ chặt bỏ cây cao su để trồng cam, nhưng cũng thấy tiếc vì vườn cao su là công sức của gia đình hơn 7 năm qua và mới thu hoạch được 2 vụ nên đang để vậy xem năm tới giá mủ có lên không thì tính tiếp...”.

Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Tiến, gia đình Nguyễn Xuân Hoàn trú tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn cũng nhận khoán gần 1 ha cao su đã 8 năm nay, chia sẻ: “Giá mủ xuống thấp, tiền bán không đủ trang trải công chăm sóc, thuê nhân công cạo mủ. Lâu nay tôi cũng như bao người dân vùng này không thu hoạch mủ cao su nữa, nhiều hộ để hoang vườn cao su không chăm sóc, chuyển sang nhiều nghề khác kiếm sống rồi...”.

Những vươn cao su bạt ngàn của người dân ở miền Tây xứ Nghệ
Những vươn cao su bạt ngàn của người dân ở miền Tây xứ Nghệ

Ông Nguyễn Trọng Khánh, xóm trưởng xóm Nghĩa Hưng, cho biết: “Xóm chúng tôi có hơn 102 hộ dân, đa số là những công nhân lâm trường về hưu. Trong số đó, có tới trên 70 hộ đã xin khoán đất của Nông trường Tây Hiếu để đầu tư vào trồng cao su với diện tích lên đến hơn 100 ha. Tuy nhiên, sau sau trồng xong, cây lớn, cho thu hoạch được thì giá thành mủ cao su lại xuống thấp. Trước đây giá hơn 100 nghìn đồng/kg giờ chỉ còn chưa đầy 30 nghìn thì lãi sao được? Hiện nay, nhiều hộ dân xóm đã bỏ hoang vườn cao su, rồi đi làm thuê ở nơi khác để kiếm sống. Cơ cực lắm chú ạ”.

Ông Khánh cho biết thêm, gia đình ông cũng xin nhận khoán 1ha cao su, mua giống về trồng. Nhưng sau 7 năm, đến nay, thu không đủ bù chi, 2 đứa con của ông Khánh cũng đã rời quê đi làm ăn xa, còn vườn cao su tạm thời bỏ hoang không chăm sóc nữa.

Được biết, trước những năm 2005 khi những mô hình vườn cao su được trồng thí điểm, rồi thu hoạch tại địa phương đã tạo nên “cơn sốt” . Nhiều người dân khu vực các Nông trường Tây Hiếu, Đông Hiếu, Cờ Đỏ… của huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa đều xin được khoán đất để đầu tư vào trồng cao su… Vì thế, khi mủ cao su rớt giá, khiến các hộ dân này lao đao, cư cực.

Trông giá trong vô vọng

Cây cao su là cây công nghiệp lâu năm, để cho thu hoạch, người dân phải đầu tư chi phí lớn cũng như thời gian chờ đợi cây trưởng thành, có thể thu hoạch mủ từ 10 đến 30 năm tùy vào giống cây, thổ nhưỡng và khí hậu. Hầu hết các hộ dân tại Nghĩa Đàn và Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đều trồng cao su khoảng 7 năm, và đã cho thu hoạch được vài vụ. Chi phí đầu tư cho những năm qua từ giống cây, phân bón, chăm sóc… khá lớn. Khi mới bắt đầu trồng, ai cũng đợi đến ngày thu hoạch để thu hồi vốn, trang trải cuộc sống, nhưng đến lúc thu hoạch thì người dân nơi đây lại tiếp tục chờ… giá mủ cao su lên.

Bà Nguyễn Thị Hồng – một người dân trồng cao su xót xa khi nhìn vườn cao su của mình đã bước vào mùa thu hoạch nhưng không thu hoạch được vì giá thành quá thấp
Bà Nguyễn Thị Hồng – một người dân trồng cao su xót xa khi nhìn vườn cao su của mình đã bước vào mùa thu hoạch nhưng không thu hoạch được vì giá thành quá thấp

Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn là một trong những gia đình đang gặp khó khăn nhất khi lỡ đầu tư hàng trăm triệu đồng vào trồng cây cao su. Đến nay, nếu vườn cao su tiếp tục đầu tư chăm sóc thì không nổi, mà chặt bỏ cũng không xong nên gia đình bà đành bỏ hoang chờ giá mủ lên sẽ chăm sóc lại. Bà Tâm buồn bã nói: “Gia đình tôi cũng đầu tư trồng cao su được hơn 3 héc ta, lúc đó tôi cũng vay được ít tiền từ họ hàng nên mua được 6.000 cây giống. Giá thành lúc đó mỗi cây có giá 20.000 nghìn đồng, lúc đầu khi trồng cao su, gia đình vui lắm, con cái rồi vợ chồng tôi kiên trì hơn 6 năm trời chăm sóc cây, chờ ngày thu hoạch. Thế nhưng, trớ trêu thay khi gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch thì lại bị rớt giá, tiền thu hoạch không thấm vào đâu. Do vậy, đầu năm nay hai đứa con tôi theo bạn bè trong làng đi làm công nhân trong miền nam, kiếm tiền phụ giúp gia đình trả nợ và trang trải cuộc sống. Không phải chắc gia đình tôi bỏ hoang vườn cao su đâu, ở đây nhiều gia đình cũng bỏ hoang cả, nhà nào có điều kiện thì may ra mới đầu tư cầm chừng. Nhưng vợ chồng tôi thì vẫn cố gắng chờ, chờ một ngày nào đó, giá mủ cao su tăng là thu hoạch đồng loạt. Chứ như năm ngoái tôi thu hoạch mủ cao su, nhưng giá thành quá thấp chỉ được 32.000đ/1kg, thì chúng tôi đâu dám thu hoạch...”.

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Đức Mậu – Đội trưởng đội sản xuất thuộc Nông trường Tây Hiếu 1, ông Mậu cho biết: “Từ cuối 2013 đến nay, giá cao su ít nhất đã 3 lần rớt giá và hiện đứng ở mức gần 25.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều nếu so với thời điểm giá cao nhất trong cuối năm 2010 khoảng trên 100.000 đồng/kg. Được biết, để bán được giá thành 30.000 đồng/1kg thì người dân còn phải mất thêm tiền trả cho người vận chuyện mủ cao su, rồi trừ đi tiền mua phân bón, tiền công chăm sóc cây...Như vậy, con số 30.000 đồng/1 kg có thấm vào đâu so với công sức của người nông dân bỏ ra, may mà họ không chặt chứ chặt cao su để trồng cây khác còn khổ hơn nữa. Hiện nay rất nhiều người dân đang đếm từng ngày chờ giá mủ tăng để thu hoạch...”.

Doanh nghiệp cũng lâm cảnh thua lỗ

Ông Trần Ngọc Thắng – Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển cao su Nghệ An (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) chia sẻ: “Công ty được thành lập từ năm 2007, nhưng mãi tới năm 2010 công ty mới quy hoạch và trồng cao su tại Nghệ An. Hiện nay công ty đã trồng được hơn 4.200 ha cao su/ 10.700 hét ta được quy hoạch tại 3 huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Quế Phong. Mấy năm trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp nên phía công ty chúng tôi cũng ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm tất cả mọi chi phí trong đầu tư sản xuất, không tiếp tục đầu xây dựng nhà máy mà phát triển diện tích cao su cầm chừng, nhỏ giọt...”

“Hiện nay, chúng tôi có một số diện tích cao su khá lớn đang vào thời kỳ thu hoạch mủ, nhưng với giá cả như hiện nay thì chúng tôi không thể thu hoạch được... Chỉ còn cách chăm sóc cho cây lớn hơn, chờ giá mủ lên thì công ty sẻ triển khai thu hoạch thôi...” ông Thắng cho biết thêm.

Còn ông Trần Văn Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê – Cao su Nghệ An, cho biết: “Hiện nay giá mủ cao su lao dốc nên nhiều người dân nhận khoán diện tích cây cao su trước đây không còn mặn mà với cây cao su nữa. Có nhiều người bỏ hoang vườn cao su của mình, có người thì cầm chừng vì tiền công chăm sóc, thu hoạch cao hơn giá bán mủ thì làm sao người nông dân có thể sống với nghề này được. Hiện tại đây có nhiều hộ dân đã chặt cây cao su để trồng cam, họ chặt vì không chờ giá lên nổi. Với tình hình hiện nay không những người trồng cao su khổ mà cả doanh nghiệp như chúng tôi cũng đang lâm vào cảnh thua lỗ”.

Bài & ảnh: Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn "vàng trắng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO