Nô nức trẩy hội Gò Đống Đa Xuân Mậu Tuất 2018

20/02/2018 13:20

(TN&MT) - Sáng ngày 20/2 (tức mùng 5 tháng Giêng, năm Mậu Tuất) hàng ngàn người dân từ khắp mọi miền của đất nước đã nô nức đổ về Thủ đô tham dự Lễ hội Gò Đống...

(TN&MT) - Sáng ngày 20/2 (tức mùng 5 tháng Giêng, năm Mậu Tuất) hàng ngàn người dân từ khắp mọi miền đất nước đã nô nức đổ về Thủ đô tham dự Lễ hội Gò Đống Đa, kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. 

Tham dự lễ khai hội có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Uông Chu Lưu - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Định cùng đông đảo nhân dân cả nước đã cùng dâng hương, hoa thành kính tưởng nhớ công đức của vua Quang Trung - người anh hùng áo vải trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dâng hương, dâng hoa lên tượng Đức vua Quang Trung
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dâng hương, dâng hoa lên tượng Đức vua Quang Trung

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết: Ngược dòng lịch sử vào ngày 22 tháng 12 năm 1788, (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã làm Lễ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung và ra lệnh tiến quân ra Bắc với lời hiệu triệu, ba quân tướng sỹ quyết tâm tiêu diệt quân Thanh, bảo vệ sự vững bền của bờ cõi đất nước trước ách đô hộ của giặc ngoại xâm phương Bắc; quyết tâm đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản...

Ngày 30 tháng Chạp, Đức vua Quang Trung đã cho ba quân ăn Tết trước và hẹn với tướng sỹ sẽ ăn Tết tại Kinh thành Thăng Long vào mùng 7 Tết Kỷ Dậu, với khí thế đó nghĩa quân Tây Sơn đã chia thành 5 đạo quân tiến vào giải phóng thành Thăng Long. Trước sức mạnh của quân ta các đồn tiền tiêu của địch tại Dáng Khẩu, Thanh Quyết,  Nhật Tảo  lần lượt bị đánh bại. Đến mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) dưới sự chi huy của vua Quang Trung quân ta  tấn công vào đồn Ngọc Hồi, phá hủy toàn bộ trận địa phòng thủ của chúng tại đây. Tiếp đó, đồn trại giặc ở Khương Thượng cũng bị tiêu diệt, khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Quân ta đã đánh bại hơn 29 vạn quân Thanh xâm lược chỉ sau 45 ngày chúng chiếm giữ Kinh thành Thăng Long.


“Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa rất vinh dự, tự hào được thay mặt nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa để tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc”, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong bày tỏ và cho biết là một trong bốn quận trung tâm Thủ đô, dân số trên 42 vạn người và thu ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng, quận Đống Đa phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng để góp phần xây dựng Thủ đô anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 

Sau nghi lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là màn trống hội rộn rã cùng với vở kịch tái diễn lại trận đánh của nghĩa quân Tây Sơn anh hùng, thần tốc. Qua các màn trình diễn của các nghệ sĩ nhà hát chèo Trung ương hình ảnh vua Quang Trung hiện lên oai phong, lẫm liệt khi hô ba quân tướng sỹ ra trận và giành chiến thắng giòn giã, giữ yên non sông bờ cõi, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Phần cuối của vở kịch là hình ảnh Đức vua Quang Trung cầm trên tay cành đào biểu tượng của mùa Xuân để làm quà tặng cho công chúa Ngọc Hân. Tất cả đã gợi lại rất nhiều cảm xúc cho người xem về một thời hào hùng, oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
​ Màn kịch tái diễn chiến thắng lịch sử quân Thanh năm xưa ​
Màn kịch tái diễn chiến thắng lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa

Kể từ mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta và đã thành truyền thống cứ vào ngày mồng 5 Tết hàng năm, đông đảo nhân dân quận Đống Đa, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước lại nô nức tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa, nhằm ôn lại những sự kiện lịch sử, những ngày tháng hào hùng của dân tộc.

Đến nay, chiến tích Ngọc Hồi - Đống Đa đã trải qua hơn 200 năm, nhưng có thể nói chiến thắng lịch sử này vẫn luôn và mãi ngân vang cùng sông núi. Thời gian có thể trôi qua, song sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ sẽ  vẫn còn chiếu rọi ánh sáng đến các thế hệ con cháu mai sau về nghệ thuật dùng đạo lý để thu phục nhân tâm, lấy sức mạnh đoàn kết của nhân dân để diệt quân cường bạo, tiếp nối truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nô nức trẩy hội Gò Đống Đa Xuân Mậu Tuất 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO