Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn

20/10/2014 00:00

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết như vậy khi báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, sáng 20/10.

   
(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết như vậy khi báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, sáng 20/10.
   
Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ôn định
   
  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo.
   
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội
   
  Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm và ước thực hiện các tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.
   
  Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh.
   
  “Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội” – Thủ tướng nhấn mạnh.
   
  Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ, ước cả năm bằng khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 12,8%, ước cả năm tăng 5,45%. Vốn FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ, tăng 3,2%, ước cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%. Vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ, tăng 10%, ước cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng 7,1%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3%.
   
  Những tháng đầu năm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng...
   
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường
   
  Trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề tài nguyên và môi trường được thế giới hết sức quan tâm, Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương, rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
   
  “Việc khai thác, sử dụng tài nguyên được kiểm soát chặt chẽ hơn, thu ngân sách nhà nước từ cấp quyền khai thác khoáng sản tăng. Tích cực triển khai Luật Đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý, nhất là về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tỷ lệ diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 93,8%. Quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước được tăng cường. Hoàn thành việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông.” – Thủ tướng nhấn mạnh.
   
  Thủ tướng khẳng định: Tăng cường kiểm tra thanh tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và vi phạm pháp luật về môi trường. Các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu được tích cực triển khai thực hiện. Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, cảnh báo, dự báo thiên tai, bão, lũ, được tăng cường. Nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp phòng tránh thiên tai được triển khai. Ý thức và năng lực phòng tránh thiên tai được nâng lên. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về môi trường đạt kết quả tích cực.
   
  Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ô nhiễm môi trường vẫn còn gia tăng ở nhiều nơi; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, khu vực nông thôn, làng nghề cải thiện còn chậm. Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai còn hạn chế. Thiệt hại do thiên tai còn lớn. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố khắc phục còn chậm. Việc điều tra tài nguyên biển chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý và khai thác khoáng sản, nhất là việc khai thác gắn với bảo vệ môi trường vẫn còn bất cập.
   
  Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế. Tích cực thực hiện Luật Đất đai sửa đổi. Rà soát quy hoạch, tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Khuyến khích phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đẩy mạnh rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nâng cao chất lượng dự báo, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.
   
Tái cơ cấu kinh tế được triển khai tích cực
   
  Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời gian qua, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện. Tăng cường quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
   
  Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công. Đổi mới quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Quyết định đầu tư phải xác định được nguồn và khả năng cân đối vốn. Tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới. Hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các hình thức hợp tác công - tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.
   
  Đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Đã xử lý 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong Đề án bằng thu hồi nợ, tái cơ cấu nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và mua lại nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản (VAMC).
   
  Tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ban hành các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa và thoái vốn. Trong kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015, qua 9 tháng đã cổ phần hóa 71 doanh nghiệp (gần bằng cả năm 2013 là 74 doanh nghiệp) và đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp, dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng. Đang triển khai thực hiện tái cơ cấu các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
   
  Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận: Tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP còn thấp so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu đề ra. Tái cơ cấu đầu tư công một số nơi triển khai chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn; việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả chưa cao. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.
   
Mục tiêu phát triển kinh tế năm 2015:Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP./.
    
   
   
   
Thúy Hằng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO